Người mé tây họ Giao tên Lục, ngoại hiệu là Quảng Diệu Sơn, người mé đông bắc họ Phi tên Thất, ngoại hiệu là Bả Sơn Xà. Hai người nói chuyện với nhau. không dè trong bụi có người nghe trộm. Giao Lục đi đã xa còn Phi Thất thời bị Đinh Triệu Huệ nom theo, thò tay nắm cổ xô xuống đất đè lên hỏi rằng: “Phi Thất, mi nhìn biết ta hay không”. Phi Thất đáp: “Đinh nhị gia đây mà, làm gì ngài bắt tôi như vầy?”. Triệu Huệ hỏi: “Ta hỏi mi vậy chớ hang Thông Thiên ở đâu?”. Phi Thất nói: “Đi qua mé tây một hồi, ngó ngoái lại dòm qua mé nam có một cửa đá theo lưng chừng núi, đó là hang Thông Thiên”. Triệu Huệ nói: “Vậy chừng thời mi cho ta mượn y phục và chiêu bài cho ta dùng một lát”. Phi Thất liền móc trong lưng lấy chiêu bài đưa ra, rồi cởi áo quần đưa cho Triệu Huệ. Triệu Huệ liền trói Phi Thất và bịt miệng lại rồi nói: “Thôi, phiền mi ở đây, sáng sẽ có người đến cứu”. Nói rồi đem chiêu bài, mặc y phục vào, nhắm hang Thông Thiên đi tới.
Tới nơi quả thấy có cửa đá, thêm một túp lều tranh ba căn trong ấy có người ca hát, Triệu Huệ liền cất tiếng khu: “Bớ Lý tam ca. Bớ Lý tam ca”. Người là quả tên Lý Tam. Lý Tam hỏi rằng: “Ai kêu đấy?”. Hỏi rồi chạy ra dòm Triệu Huệ một lát lại hỏi; “Xin lỗi, vậy chú là ai?”. Triệu Huệ đáp: “Tôi tên Phi Thất, người xa mới tới hầu Viên ngoại”. Vừa nói vừa đưa thẻ bài cho Lý Tam coi và nói tiếp: “Nhân Giao Lục mới bẩm với Viên ngoại rằng: “Họ Triển đập mâm ném chén sao đó, mà Viên ngoại không tin nên sai tôi tới đây đem họ Triển tới đối chất”. Lý Tam nói: “Ừ đem y đi, mỗi việc y làm đều khó chịu lắm”. Triệu Huệ nói: “Viên ngoại đương chờ kia mà anh chưa mở cửa thời làm sao”. Lý tam nói: “Anh cứ kéo cái khoen đồng bên cánh cửa giả đó thời cửa thật mở ra có khó gì” Triệu Huệ nghe theo đưa tay kéo nhẹ nhẹ. quả nhiên cửa liền mở ra. Lý Tam kêu rằng: “Bớ Triển lão gia, Viên ngoại tôi xin mời ngài”. Chỉ nghe trong ấy có tiếng nói: “Viên ngoại mi mời ta làm gì?”. Triệu Huệ thấy Triển Chiêu ra khỏi rồi, liền buông cái khoen, cửa đá liền khép kín lại. ”
Triệu Huệ dắt đường cho Triển Chiêu đi một đỗi, liền đứng lại hỏi: “Triển huynh nhìn có biết tôi không?”. Triển Chiêu định thần xem kỹ lại rồi hỏi: “Ủa Nhị đệ, làm sao tới đây được?”. Triệu Huệ bèn đem việc các anh em tựu tại đảo Hãm Không bàn mưu thuật lại cho Triển Chiêu nghe. Hai người đi lần lần tới mé rừng tre phía đông Ngũ nghĩa thính, nghe Bạch Ngọc Đường sai Bạch Phúc, tới chỗ bí yến rừng tùng ngồi đó rình đợi. Chẳng bao lâu thấy Bạch Phúc đi trở lại, tay xách lồng đèn vai mang cái túi vừa đi vừa hát, thỉnh thoảng lại ngoái lại sau. Bỗng nghe có tiếng gì khua rẹt một cái, quay lưng lại thời vạt áo mắc vào chà gai, miệng nói lẩm bẩm rằng: “Thế mà tưởng là cái gì, ai dè là mi”. Nói rồi để lồng đèn và cái túi xuống, quay lại gỡ vạt áo ra, gỡ xong ngó lại đèn đã tắt rồi mà cái túi cũng mất, thất kinh hồn vía muốn la lên chợt có người nắm lại hỏi rằng: “Bạch Phúc mi có nhìn được ta hay không?”. Bạch Phúc nhìn kỹ rồi nói: “Lạy Triển lão gia, tôi có tội gì mà làm khổ tôi vậy?”. Triển Chiêu nói: “Ta không hại gì mi đâu mà mi sợ, mi phải nằm đây nghỉ ngơi cho khỏe”. Nói rồi ôm Bạch Phúc đem qua một bên đường, nắm tay sửa chân rồi bỏ nằm xuống đất. Bạch Phúc không thể đứng dậy nổi. Triển Chiêu lại nói: “Mà mi ở đây e lạnh lắm, sẵn có hòn đá đây để ta đắp mền cho”. Bạch Phúc nói: “Tôi không lạnh, nếu lão gia đắp mền cho kiểu đó chắc chết bẹp liền”. Triển Chiêu liền dằn cục đá lên rồi đi lại gốc cây lấy cái túi. Ai dè cái túi không còn ở đó, Triển Chiêu thất kinh dòm kiếm dáo dác, bỗng thấy có bóng đi xa xa liền chạy theo tới gần nghe cười khúc khích. Triển Chiêu nói: “Ta tưởng ai khuấy té ra Từ Khánh đây mà, vậy Tam đệ tới đây hồi nào?”. Từ Khánh đáp: “Tôi thấy Triển huynh bèn đi theo, tôi sợ Tam Bảo có thể bị xâm phạm, nên cũng theo giúp sức, ai dè Triển huynh lo đắp mền cho Bạch Phúc mà quên cái túi này đi, nếu tôi không lấy chẳng rõ lại về tay ai?”. Nói dứt lời cả hai cùng nhau ra khỏi rừng tùng đi riết lại Ngũ nghĩa thính, thấy trong ấy đương bày tiệc. Đinh Triệu Lang ngồi trên, Liễu Thanh ngồi mé tả, còn Ngọc Đường ngồi lại chủ tọa, một bên có để bảo kiếm của Triển Chiêu. Bạch Ngọc Đường nói với họ Đinh, họ Liễu rằng: “Thưa hai anh, tôi sở dĩ dụ Triển hộ vệ đến đây để làm cho Bao tướng gia hết phép, chừng đó tôi mới đã giận, mà mấy anh tôi kia cũng khó mà ở yên trong phủ Khai Phong”.
Nói rồi cười ha ha. Từ Khánh nghe nói phát giận xách đao nhảy vào nói lớn rằng: “Bớ họ Bạch, coi đao ta đây”. Bạch Ngọc Đường đương nói chuyện bỗng thấy thình lình như vậy, liền với lấy bảo kiếm, ai dè Triệu Lang đã lẹ mắt thấy Từ Khánh vào liền lấy trước rồi.
Bạch Ngọc Đường “không biết làm sao, liền nhảy né qua một bên đưa ghế ngồi lên đỡ. Bốp! Hai chiếc ghế đã vỡ toác ra, Từ Khánh lại nhảy tới chém tiếp, Ngọc Đường né rồi nói rằng: “Bớ họ Từ ta sẽ có chuyện nói cho mà nghe đã, ngừng tay lại”. Từ Khánh nói: “Nói gì, nói đi”. Ngọc Đường nói: “Ta thừa biết mi cùng anh em họ Đinh tới đây cứu họ Triển, song ta đã có lời nói với y rồi, bất cứ ngày nào hễ y lấy lại được Tam Bảo thời ta liền đi theo về phủ Khai Phong, y đã hứa rằng trong ba ngày sẽ lấy lại được. Mi phải biết, y đã không lấy được lại cậy nhiều người tới cứu y, dẫu có cứu được nữa mà về tới phủ không có Tam Bảo thời lấy gì phục lệnh, còn mặt mũi nào mà ra mắt Bao tướng gia”. Từ Khánh nghe nói cười rồi kêu Triển Chiêu đem Tam Bảo vào. Triển Chiêu xách túi đựng Tam Bảo bước vào nói rằng: “Ớ hiền đệ, liệt huynh không quên lời hứa đã thu được Tam Bảo lại rồi xin đem trình diện. Bạch Ngọc Đường thấy vậy, chưa biết nghĩ làm sao, nếu theo lên phủ Khai Phong thời uổng mất hùng tâm nhuệ khí của mình, còn không thì thời thành ra nói láo. Đương còn suy nghĩ, chợt nghe Từ Khánh hét rằng: “Sự đã thế này mi còn nghĩ gì nữa đó?” Ngọc Đường nghe nói cả giận lấy cái ghế chém hư khi nãy chọi liền. Từ Khánh nhảy xốc tới chém.
Bạch Ngọc Đường vội vàng cởi áo xé làm hai, cầm lên đỡ gạt và lui dần ra ngoài rừng tre rồi bỏ đi mất. Lư Phương kêu rằng: “Bớ Ngu đệ, dùng bước lại liệt huynh sẽ có chuyện nói”. Ngọc Đường không trả lời cứ việc đi thẳng qua mé tây, không ai rượt theo chỉ có một mình Từ Khánh rượt theo mà thôi. Lại nói khi Liễu Thanh đương uống rượu, thấy Từ Khánh bước vào gây ra cuộc giao đấu, sau lại thấy có nhiều người tới cửa nhốn nháo một hồi. Từ Khánh rượt Ngọc Đường chạy rồi, ý muốn ra tay tiếp ứng, song thế khó bèn lén lén đi mất. Còn anh em họ Đinh và Lư Phương bàn nhau nên vào rừng tre tìm Ngọc Đường. Vừa đi một đỗi thấy Từ Khánh trở lại nói rằng: “Ngũ đệ đã đi biệt tăm rồi, biết đâu mà kiếm”. Lư Phương giậm chân nói rằng: “Ôi! Các em quên hay sao? Mé sau núi này là ngọn sông Tùng Giang, qua khỏi đấy thời tới phủ Tùng Giang, thật là một đường tắt rất gần, người ngoài không ai tới được. Ngũ đệ ở đây thường ra cầu Độc Long đê đi qua lại vì không biết lội. Cầu Độc Long vốn là một đường lõi sắt, có hai cái móc to, một đầu móc bám vào sườn núi, một đầu móc vào mé bờ bên kia qua lại rất tiện, nay Ngũ đệ đã dùng cầu Độc Long đi rồi”. Triệu Huệ nói: “vậy thời đúng với lời của Tưởng tứ đệ nói, chắc Ngũ đệ đã xuống phủ Khai Phong rồi. May ta đã thu lại được Tam Bảo, bây giờ nên trở vào Lư Gia trang sắp đặt thủy thủ sắm sửa thuyền chèo qua thôn Mạc Hoa cùng với Tứ đệ bàn luận”.
Bạch Ngọc Đường nhảy ra khỏi tường, đi riết ra phía sau núi, nghĩ rằng đi qua cầu Độc xong có thể trong nháy mắt sẽ đến Tùng Giang, té ra xem kỹ lại thời cầu Độc Long đã bị ai móc thả lùng thùng xuống đáy sông rồi, Bạch Ngọc Đường hoảng kinh sợ có người theo kịp. Chợt nghe có tiếng sột soạt trong chòm lau có chiếc thuyền câu chèo ra. Bạch Ngọc Đường mừng lắm kêu ràng: “Bớ thuyền câu, mau lại đưa giùm tôi qua sông, tới bờ sẽ có lễ tạ”. Thuyền ấy tới gần, có một ông già nhìn Ngọc Đường mà nói rằng: “Lão bắt cá nuôi thân, chớ không đưa khách”. Bạch Ngọc Đường năn nỉ rằng: “Xin lão trượng làm ơn đưa tôi qua sông sẽ hậu lễ tạ ơn”. Ngư ông nói: “Đã như vậy, xin đừng quên lời hứa”. Nói rồi chèo thuyền ghé lại bên sườn núi.
Bạch Ngọc Đường bước xuống thuyền, ngư ông cất mái chèo, chèo ra giữa dòng sông rồi ngừng lại nói rằng: “Bắt lươn từ đầu, chớ không ai vuốt đuôi, vậy quan khách có tiền cấp cho lão đi, rồi sẽ đưa cho tới bờ”. Bạch Ngọc Đường nói:” “Thời ông cứ đưa tôi vào bờ rồi sẽ đền ơn chẳng dám quên lời ước”. Ngư ông nói: “Lời nói nhắm chẳng lấy gì làm chắc, xin quan khách tính cho xong trước sẽ lên bờ”. Ngọc Đường không biết tính sao, liền cởi áo đưa cho ngư ông mà rằng: “Áo này có thể vừa số tiền quá giang chớ”. Ngư ông tiếp lấy và nói: “Đó là phép tắc của người đi thuyền, xin khách chớ lấy làm lạ”. Nói dứt lời thấy có một chiếc thuyền khác chèo tới như bay, người trên thuyền kêu ngư ông mà nói rằng: “Cha chả! Bửa nay phát tài lắm đa?”. Ngư ông đáp: “Có gì đâu mà phát tài, chẳng qua được cái áo mà thôi”. Người nọ nói: “Chẳng cần, miễn áo ấy cầm được đủ chút ít tiền chúng ta uống rượu”. Ngư ông thấy thuyền kia chèo tới liền cầm áo liệng qua, rồi nói: “Bây giờ tôi cũng đã thèm rượu lắm, vậy chúng ta cùng đi”. Nói rồi nhảy qua thuyền bên kia chèo vụt đi mất. Bạch Ngọc Đường thấy ngư ông đi rồi không lẽ để thuyền trôi bồng bềnh trên mặt nước hoài, bèn lấy sào bơi, hết sức bơi lại chèo, song thuyền cứ quay tròn giữa sông mãi. Bạch Ngọc Đường nói thầm rằng: “Nếu biết như thế này ta đâu có xuống thuyền câu làm gì?”. Đương lúc than thở như thế, chợt thấy trong khoang thuyền chui ra một người đầu đội nón tre, giở nón ra nói rằng: “Đã lâu không gặp Ngũ đệ, vậy mừng Ngũ đệ vô sự ở đời có ai được trọn hay, việc đời cũng chẳng trọn may được, Ngũ đệ bất tất phải than nghĩ”. Bạch Ngọc Đường xem kỹ lại người ấy là Tưởng Bình, mặc y phục lội nước, thời cả giận nạt rằng: “Thằng kia, ai là Ngũ đệ của mi mà gọi?”.