Ngại Hổ nghe Phạm đại nhân hỏi như vậy thời nghĩ thầm rằng: “Ban đầu ta quả có thấy Mã Triêu hiền song không để ý cho lắm. Nay mà nói không nhận được cũng không xong”. Nghĩ đoạn đáp rằng: “Tôi nhận mặt Đại lão gia được”. Phạm đại nhận liền sai tả hữu đem Mã Triêu Hiền ra.
Khi Phạm đại nhân hỏi Ngại Hổ có nhận được lão gia hay không, thời nó đã có ý nghi, nên quỳ dưới thềm lén lén ngó ra ngoài, chừng nghe Phạm đại nhân đem Mã Triêu Hiền ra thời có một vị thái giám già, cổ tay tuy đeo hình cụ mà đi lên thềm vẫn ung dung vui vẻ, đến lúc tới trước công đường mới nhăn mày im hơi làm bộ rầu rĩ, đứng sững chớ không quỳ xuống xưng tên. Ngại Hổ thấy vậy thời hiểu liền. Lại nghe Phạm Trọng Võ nói rằng: “Ngại Hổ và Mã Triêu Hiền nhận ra nhau chưa?”. Ngại Hổ giả đò ngước mặt lên dòm rồi nói: “Người này không phải Đại lão gia của tôi”. Trần Lâm ngồi trên cười rằng: “Thằng nhỏ này tinh mắt quá, thôi đem người ấy xuống, đem Mã Triêu Hiền ra đây”. Tả Hữu vâng lời dắt Mã Triêu Hiền giả xuống, giây lâu đem Mã Triêu Hiền thật lên.
Tên gian thần ô lại buồn bã lắm, nước mắt khóc ướt mèm, đi tới trước công đường liền quỳ xuống. Trần Lâm thấy tình cảnh như vậy động lòng thương hỏi rằng: “Có người cáo ông rằng ba năm trước giả về quê lén lấy mũ Cửu Long trân châu của Thánh thượng đem theo, có không ông cứ thiệt khai ngay đi!”. Mã Triêu Hiền nghe nói thất kinh, lính quýnh đáp rằng: “Mũ ấy để tại kho, mất hồi nào tôi không hay, chớ thật không lấy”. Văn đại nhân nói: “Thôi, đừng nói nữa. Ngại Hổ thuật y khẩu cung của mi cho ông ta nghe”. Ngại Hổ liền thuật lại một lượt rồi nói: “Bẩm Đại lão gia, chuyện đã như vậy, còn giấu giếm làm chi”. Mã Triêu Hiền nói: “Con quỷ nhỏ này bất nhân lắm, tao có biết mày là ai?”. Ngại Hổ nói: “Sao lão gia lại nói vậy? Hồi đó tôi mười hai tuổi, hầu hạ liền bên cạnh, lão gia thường khen tôi lanh lợi sau này tất phát đạt chẳng sai, sao bây giờ lão gia quên đi?”. Mã Triêu Hiền nói: “Ừ mà giá tao nhận biết mày, mà tao đem mũ Cửu Long giao cho Mã Cường hồi nào chứ?”. Văn đại nhân nói: “Mã Tổng quản chớ chối cãi, có sao thời khai thật đi, cho khỏi rách da chảy máu, nếu không khai chúng tôi xin thỉnh đại hình”. Mã Triệu Hiền đáp: “Bẩm các ngài, nếu các ngài không thương, dẫu cho kẹp đánh tra khảo tôi cũng đành lòng”. Nhan đại nhân nói: “Nếu khoanh tay mà hỏi mãi có ai chịu khai đâu. Vậy cứ thỉnh đại hình”. Tả hữu đem đại hình ra, Ngại Hổ khóc và nói túi bụi rằng: “Không, không, tôi không cáo nữa, tôi không cáo nữa, tôi không cáo”. Trần Công công hỏi: “Sao mi lại không cáo?” Ngại Hổ đáp: “Tôi đi cáo đây là vì sợ biết tình gian mà giấu thời có tội, chớ chẳng dè làm hại tới Đại lão gia tới như vậy. Trời ơi! Tuổi tác đường này mà chịu tra khảo thời còn sống sao được. Thôi, tôi không cáo đâu, ” Trần Công nói: “Chuyện này đã thấu tai Thánh thượng rồi, làm sao thôi được”. Nói rồi sai dẹp hình cụ và đem Mã Triêu Hiền với Ngại Hổ xuống.
Đỗ đại nhân liền nói với các quan rằng: “Tôi có một cách này, nên đem Mã Cường ra hỏi một lượt xem sao?”. Các quan gật đầu, rồi sai tả hữu vào ngục dắt Mã Cường ra, không cho chúng nó thấy mặt nhau. Khi Mã Cường tới trước công đường, Đỗ đại nhân liền hỏi rằng: “Nay có người tới kêu oan cho mi, mi có nhìn biết không?”. Mã Cường nói: “Xin cho xem mặt”. Đỗ đại nhân dắt Ngại Hổ ra, Mã Cường nhìn thấy Ngại Hổ, nghĩ thầm trong bụng rằng: “Thằng nhỏ này vì chủ mà kêu oan thật ít có ai như vậy”. Nghĩ rồi vội vã bẩm báo rằng: “Tên này là gia nô của tôi, tên là Ngại Hổ”. Đỗ đại nhân hỏi: “Nó được mấy tuổi?”. Mã Cường đáp: “Được mười lăm tuổi đầu”. Đỗ đại nhân hỏi: “Nó có phải là thế bộc của mi chăng?”. Mã Cường đáp: ” Phải, nó ở nhà tôi từ thuở nhỏ tới nay”. Văn đại nhân liền nói tiếp: “Thôi, Ngại Hổ đọc khẩu cung lại nghe”. Ngại Hổ liền đọc y lại, rồi nói: “Xin Viên ngoại chớ tưởng lạ, tiểu nhân vì sợ tôi nên phải buộc lòng tố cáo”. Mã Cường nạt rằng: “Đồ chó, mi thật già hàm đặt chuyện, lão gia nào đưa mũ cho ta hả?”.
Trần Công công nói: “”Chỗ này là công đường, chớ chẳng phải là nơi để mi rầy la tôi tớ”. Mã Cường nói: “Bẩm đại nhân, ba năm trước chú tôi về quả là không có đem mũ Cửu Long theo, đó là Ngại Hổ cáo gian”. Nhan đại nhân nói: “Nó cáo rằng mũ ấy mi sai nó bưng đi giấu sau lầu Phật, còn chối sao được”. Mã Cường nói: “Nếu quả có mũ ấy tại nhà tôi, thì tôi xin làm cam đoan nhận tội”. Các quan liền sai đem bút mực cho Mã Cường làm cam đoan, rồi đem Mã Triêu Hiền ra cho chú cháu thấy nhau và đưa tờ cam đoan của Mã Cường cho y coi, Mã Triêu Hiền cũng chịu làm cam đoan, nếu có mũ Cửu Long tại lầu Phật thì mình cũng xin chịu tội. Việc ấy xong, sai tả hữu đem giam chú cháu Mã Cường vào ngục.
Văn đại nhân nói với Ngại Hổ rằng: “Còn việc cướp giật nhà Viên ngoại mi đó, mi có biết rõ hay không?”. Ngại Hổ đáp: “Viên ngoại tôi có một khu nhà rộng đặt tên là quán Chiêu Hiền, có nhiều người ở đó, mỗi ngày tập luyện côn quyền, dượt thử gươm giáo. Nhân ngày nọ chủ tôi gặp vị tú tài, nói là quan Thái thú mới nhận chức, nhất tại địa lao, không rõ ý muốn làm gì. Kế vị tú tài ấy nhờ có người cứu khỏi, nên chủ tôi sợ lắm. Mấy người ở trong quán Chiêu Hiền bảo rằng: Nếu có bề gì thì kéo rốc qua ở với Tương Dương Vương. Nào dè tới canh hai đêm ấy có một người to lớn đem quan binh tới bắt Viên ngoại và phu nhân tôi trói lại. Mấy người ở trong quán Chiêu Hiền nghe báo, liền chạy tới cứu chủ, bị người to lớn nọ đánh thua ráo, nên chạy về quán Chiêu Hiền mà trốn. Lúc đó tôi cũng lo trốn, nên không rõ việc cướp giật ấy ra sao?”. Văn đại nhân hỏi: “Mi có biết hồi giải Viên ngoại mi về phủ là hồi nào không?”. Ngại Hổ nói: “Tôi nghe Giao Thành nói hồi đó là canh năm”. Văn đại nhân nói với các quan rằng: “Cứ như lời ấy thì vụ cướp này không có can thiệp tới Âu Dương Xuân chút nào”. Các quan hỏi: “Làm sao ngài rõ được?”. Văn đại nhân nói: “Cứ như trong tờ cung, bị cướp hồi rạng đông, mà Âu Dương Xuân. hiệp lực với sai dịch giải Mã Cường về phủ hồi canh năm, thời làm sao cướp cho được”.
Các quan khen phải, rồi sai đi bắt Giao Thành, ai dè Giao Thành đã trốn từ lâu rồi. Các quan liền hợp nhau dâng sớ lên Thiên tử.
Hôm sau, có chiếu chỉ của Thiên tử dạy phủ Khánh Châu bắt đồ đảng tại quán Chiêu Hiền và tìm mũ Cửu Long. Quan tuần kiểm tại đó liền đem binh tới quán Chiêu Hiền thì không thấy một bóng người, chỉ xét được ít nhiều thư từ đi lại với Tương Dương Vương bàn việc nghịch mà thôi, bèn lấy thư ấy rồi đem Quách Thị lên lầu Phật, tìm mũ Cửu Long sau vách cốt Phật giữa. Quan tuần kiểm liền đem mũ Cửu Long và bắt Quách Thị áp giải lên kinh. Các quan đều tựu tại Đại Lí Ti, thỉnh mũ Cửu Long để trước tòa rồi dạy đem Quách Thị ra hỏi: “Vì sao mà ngự quan lại ở tại nhà mi?”. Quách Thị đáp: “Thật tôi không rõ việc ấy”. Phạm đại nhân hỏi: “Mi thấy mũ ấy tìm được tại đâu?”. Quách Thị đáp: “Mé sau vách, vế phía tả cất Phật giữa”. Đỗ đại nhân hỏi: “Quả mi thấy rõ hay không?”. Quách Thị đáp: “Bẩm phải”. Đỗ đại nhân liền bảo ký tờ cung rồi sai đem Mã Cường ra. Mã Cường thấy có vợ tới thì thất kinh, lại nghe Văn đại nhân nói: “Bây giờ đã thấy ngự quan tại nhà mi rồi, mi còn có lời gì chối cãi nữa chăng?”. Mã Cường biến sắc, hỏi vợ rằng: “Mũ ấy tìm thấy ở đâu?”. Quách Thị nói: “Sau tấm vách giữa chớ ở đâu”. Mã Cường hỏi: “Ai đem để đó?”. Quách Thị nói: “Ai đem thì ông biết, sao lại hỏi tôi?”. Văn đại nhân không để vợ chồng Mã Cường nói lâu, bèn hét rằng: “Nghịch tặc, còn chối cãi gì, mau ký tờ cung đi!”. Mã Cường không thể từ chối, vừa ký tờ cung vừa kêu oan liền miệng. Văn đại nhân sai tả hữu lôi vợ chồng Mã Cường xuống, rồi đem Mã Triêu Hiền ra, đưa khẩu cung của Mã Cường cho y coi. Triêu Hiền coi xong, hỏi sơ Quách Thị ít điều, rồi cứng họng ngẩn ngơ chỉ có nhắm mắt ký tờ cung cho xong chuyện. Các quan thấy chú cháu Mã Cường cung khai rồi bèn dạy giam cả vào ngục, duy chừa Quách Thị lại để hỏi rõ vụ cướp giật ban đêm.
Đương lúc tra hỏi, có nha dịch vào báo rằng: “Ngoài cửa có ông già kêu oan cho Nghê Thái thú”. Văn đại nhân liền cho đòi vào. Ông già ấy vào tới công đường dâng tờ trình lên. Các quan chuyền tay nhau xem thì Nhan đại nhân bèn bàn rằng: “Đây cũng là việc có can thiệp với vụ mà thánh chỉ phú cho chúng ta, tuy nay Mã Triêu Hiền đã bị bắt giam về tội tự đạo, song còn án Mã Cường và Nghê Thái thú; vậy sẵn có Nghê Trung kêu oan đây, chúng ta nên đem nội vụ ra xét, mai sẽ dâng sớ lên tâu Thiên tử”. Văn đại nhân gật đầu khen phải.