Tưởng Bình và Thanh Bình áp giải thủy khấu về, ra mắt Nhan đại nhân và Bạch Ngọc Đường rồi thuật lại chuyện bắt và giết hai thủy khấu thế nào, và tiến cử cha con Mao Tú là người thông hiểu cách trị thủy, có thể giúp việc được tại hồ Hồng Trạch này. Nhan đại nhân nghe theo lời, sai Thiên Tổng Thanh Bình đem hai mươi binh bảo chở lễ vật tới Loa Sư rước Công Tôn Sách và thỉnh cha con Mao Tú.
Thanh Bình vâng lệnh đi rồi, Nhan đại nhân liền thăng đường, đem Ngô Trạch ra xét hỏi. Ngô Trạch cứ thật tình khai rằng: “Nguyên Tương Dương Vương thấy bọn tôi biết lội lặn dưới nước giỏi, nên sai tới khuấy phá tại hồ Hồng Trạch, một là làm cho hư vỡ đê đường, nhân dân không dám ở đó; hai là làm chìm đắm cướp giật thuyền bè qua lại, cho hành khách không dám đi qua; rồi sai người tới chiếm cứ ở giữ tại đó vì nơi ấy là chỗ yết hầu của xứ Tương Dương”. Nhan đại nhân lấy khẩu cung của bọn Ngô Trạch rồi, liền sai nha dịch đem cả bọn xuống huyện, giam vào ngục, đợi khi trị thủy xong sẽ áp giải về Đông Kinh, giao phó xong thời thấy Thanh Bình trở lại báo rằng: “, Công Tôn Sách đã mời cha con họ Mao tới, thuyền vừa đậu mé hồ”. Nhan đại nhân vội vã sai đem ngựa tới bến thuyền chực rước. Ai nấy đều lên ngựa về tới nơi, thẳng vào thư phòng hỏi Mao Cửu Tích về phép trị thủy. Cửu Tích liền móc túi ra một bức địa đồ. Nhan đại nhân tiếp lấy xem, nào là rạch ngòi, nào là đê cản, chỗ này hẹp, chỗ nọ sâu, mỗi nơi đều được biên đề rất kỹ rõ ràng minh bạch; chỗ nào đắp đê cản được, chỗ nào phải khai vét cho thông. Nhan đại nhân xem xong mừng rỡ chẳng xiết, trao lại cho Công Tôn Sách xem, cả hai khen ngợi lắm, vui vẻ như được vật báu, nên cầm cha con họ Mao ở lại, đợi Thánh thượng xuống chỉ, rồi sẽ giúp sức mà cứu lụt cho dân chúng.
Công Tôn Sách và Hoàng Khai thì đi tới miếu Tam Hoàng tạ ơn và nói cho hòa thượng hay rằng mình đã mướn người tìm kiếm học trò của hòa thượng về mà đáp ơn cứu mạng.
Chẳng mấy ngày thánh chỉ đã xuống. Nhan đại nhân liền phân phát khởi công, cứ theo địa đồ ấy mà làm, trong bốn tháng trời xong xuôi, thật tài của Mao Cửu Tích đáng kính phục. Việc trị thủy hoàn thành, Nhan đại nhân sai giải Trấn hải giao Ngô Trạch và bốn tên thủy khấu về kinh giao cho Hình bộ thẩm trị, còn viên chức tại viện tuần án cũng lục tục về triều. Nhan đại nhân dâng biểu phục chỉ, ngoài lại có một tờ tâu rõ công cán của cha con Mao Tú và Hoàng Khai, Thanh Bình. Thiên tử xem xong sắc phong cho Mao Cửu Tích ngũ phẩm, Mao Tú lục phẩm, còn Hoàng Khai, Thanh Bình thâu dụng chừng nào có chỗ khuyết sẽ bổ nhiệm.
Hình bộ thượng thư là Âu Dương Tu đem Ngô Trạch ra tra, thời rõ là chúng nó bị Tương Dương Vương xúi giục, liền dâng sớ tâu lên Thiên tử.
Thiên tử xem sớ của Âu Dương Tu, lập tức triệu Bao Công tới bàn cách tảo trừ Tương Dương Vương, vì mưu gian đã lộ không còn dung được nữa. Bao Công liền tâu rằng: “Nếu bây giờ gióng trống phát binh e Tương Dương Vương khởi biến, chi bằng sai người lén dò tình thế, trừ bớt vây cánh, rồi gióng một hồi trống thời thành công ngay”. Vua liền chuẩn tấu, phong Nhan Xuân Mẫn làm Văn uyên các đại học sĩ, vâng chỉ tuần án Tương Dương; gia phong Công Tôn Sách làm chủ sự, Bạch Ngọc Đường làm Tứ phẩm hộ vệ, Tưởng Bình cất lên thế vào tước cũ của Ngọc Đường, cùng theo ra Tương Dương tuần xét.
Chẳng dè Tương Dương vương đã sắp đặt phòng ngừa. Tả thời có Hắc Lang Sơn, Kim diện thần Lam Kiêu; hữu thời có Quân Sơn Phi Xoa thái bảo Chung Hùng coi giữ thủy bộ, thành ra thế vững như chân kiềng.
Nói về Thiên tử ngày nọ nhớ tới Bắc Hiệp Âu Dương Xuân, bèn triệu Bao Công tới, Bao Công tâu rõ tài đức của Bắc Hiệp cho Thiên tử nghe. Thiên tử khen lắm. Bãi chầu, Bao Công về phủ kể chuyện ấy cho Nam Hiệp. Nam Hiệp ra công sở nói lại với các vị anh hùng, Tưởng Bình liền nói: “Nếu muốn tìm Bắc Hiệp thì tôi xin đi cho, vì tôi có thể biết chỗ của y, và nhân dịp dò la công sự”. Các vị anh hùng khen phải. Tưởng Bình liền vào ra mắt Bao Công mà xin đi. Bao Công vui lòng cho, lập tức biên phiếu đóng ấn giao cho Tưởng Bình, Tưởng Bình tiếp lấy bái tạ lui ra, từ giã các vị anh hùng rồi đi qua thôn Mạc Hoa.
Ngày kia vừa tối, tới trấn Lai Phong vào ngụ tại quán Duyệt Lai, cơm nước xong xuôi, vào phòng yên nghỉ, buồn đi tiểu mới ra mé sau, thấy có người lấy tay gõ cửa chớ không kêu, bèn núp xem. Khi cửa mở ra, người ấy lách mình vào rồi khép cửa lại. Tưởng Bình nghĩ là có việc ám muội, bèn nhảy tường mà vào thì ra đó là chỗ chủ quán ở. Nghe có người nói: “Tiểu đệ cầu đại ca giúp đỡ, mới đây lại phòng mé đông tôi nhìn ra người nghịch với Viên ngoại tôi, thời làm sao chịu để cho y đi khỏi”. Lại nghe có người đáp: “Tuy như vậy song làm sao báo cừu cho em được?”. Người nọ nói: “Tiểu đệ đã thấy nó ngủ rồi, ngủ mê lắm, vậy đến đó thắt cổ nó cho chết rồi kéo bỏ nơi đồng hoang thì có hại gì”. Người khác nói: “Đợi nói ngủ thật mê rồi sẽ hạ thủ không muộn gì”.
Tưởng Bình nghe tới đó bèn trở ra đi qua phòng mé đông, lén đi vào thấy người còn trẻ nằm quay mặt vào vách mà ngủ, lại gần xem thời là tiểu hiệp Ngại Hổ đương say, thì nghĩ thầm rằng: “Đứa trẻ như vầy, vì ham uống rượu đến nỗi mê say, nếu không có ta tới đây, thì còn gì tính mạng”. Nghĩ đoạn thổi đèn rồi đứng núp mé sau cửa rình xem có động tĩnh gì chăng? Giây lâu thấy có người đi tới cửa, liền gạt chân cho té, người đi sau vừa tới cũng té luôn. Tưởng Bình liền nhảy ra đè cả hai và nói luôn: “Ta là Tưởng Bình đây, nó là kẻ ác tặc”. Ngại Hổ nghe la tỉnh dậy nhảy xuống giường. Tưởng Bình ngóc đầu lên, bảo phụ sức đè hai người ấy. Ở ngoài, người hầu phòng nghe la liền xách đèn đi vào. Tưởng Bình bảo nó thắp giùm đèn trong phòng lên, rồi trói hai người ấy lại, coi kỹ thì một người là chủ quán, một người là anh em bạn với chủ quán.
Tưởng Bình trói cả hai rồi, bèn ngồi lên hỏi chủ quán rằng: “Cớ sao mi nghe lời gian ác, mà mưu hại cháu ta, mau nói ta nghe thử?”. Chủ quán nói: “Xin lão gia chớ giận, tôi tên là Tào Phiêu, chỉ vì bạn tôi là Đào Tôn lo trả thù cho Viên ngoại nó, rủi sao vị khách này vào tiệm, Đào Tôn nhìn là kẻ thù Viên ngoại mình, quyết ý trả oán, nên cậy tôi tới đây giúp sức”. Tưởng Bình hỏi: “Phải cậy mi tới đây thắt cổ cháu ta hay không?”. Tào Phiêu nói: “Quả không có chuyện ấy, chẳng qua là cậy tôi phụ bắt gian mà thôi”. Tưởng Bình liền nói lại y những lời của chúng nó vừa bàn bạc lại một lượt. Tào Phiêu tắc họng hết chối cãi. Ngại Hổ liền kéo người nọ lên nói với Tưởng Bình rằng: “Tên này là Đào Tôn, bộ hạ của Mã Cường cải tên là Giao Thành, lên kinh dâng trạng gỡ tội cho chủ, sau vì thấy thế nguy, e liên lụy tới mình nên kiếm nơi trốn lánh”. Tưởng Bình nói: “Đã đổi tên là Giao Thành, nay sao lại cải là Đào Tôn”. Đào Tôn thưa: “Vì sau này sợ án của Mã viên ngoại liên lụy tới thân nên đổi theo tên cũ”. Tưởng Bình nói: “Cái tên mà còn không chính, thì lòng chắc chẳng ngay”. Nói đoạn sai người hầu phòng đi báo quan Bảo giáp ở tại đó, nói rằng: “Có công sai tại phủ Khai Phong đi bắt kẻ gian, phải mau mau tới!”. Tưởng Bình hỏi: “Chỗ này thuộc về huyện nào?”. Bảo giáp đáp: “Thuộc về huyện Đường”. Tưởng Bình hỏi: “Quan huyện tên họ là gì” Bảo giáp đáp: “Tên Hà Chí Hiền”. Tưởng Bình liền nói: “Ta đây là Tưởng Bình, vâng lệnh Bao thừa tướng đi bắt tội phạm, nay gặp nó trong quán này, đã bắt trói lại rồi, vậy phiền các ngươi gìn giữ, đợi sáng ngày giải xuống huyện với ta”. Bảo giáp thưa: “Xin lão gia yên dạ, chúng tôi nguyện hết sức lo tròn bổn phận”. Tưởng Bình nói: “Được vậy càng hay”. Nói đoạn nắm tay Ngại Hổ dắt về phòng mình bên mé tây.