Thiên Lam Thạch Ngữ

Chương 1 - Thiên Lam Thạch Ngữ - Hồi 01

trước
tiếp

Công chúa mỹ lệ nhất được gả cho anh hùng vĩ đại nhất. Đó vốn là câu chuyện hoàn mỹ, giữa trời đêm Tinh tú hải ngập mưa sao băng, tiểu kiếm sĩ vô danh giơ cao cây kiếm tạo thành câu chuyện đồng thoại tuyệt thế về ái tình. Và kết cục càng hoàn mỹ…

Nhai sinh ra đúng năm Mục soái dẫn đại quân quét sạch “Loạn Nhai chi loạn” ở Tây bắc Thiên Lam châu khải hoàn quay về. Lúc cậu cất tiếng khóc chào đời, ngoài đường người người ca múa nghênh đón vị anh hùng vô địch.

Vu nữ trung niên đem Nhai nhúng xuống dòng Ái Mê hà cho cậu khóc lên tiếng oa oa đầu tiên, đặt tên cậu là Nhai để kỷ niệm thắng lợi, báo trước vận mệnh cậu gắn với Mục soái.

Theo truyền thống Thiên Lam, lúc cậu bảy tuổi, vừa có đủ khí lực ôm mẫu thân nhấc bổng lên là được rèn thanh kiếm riêng. Tiếp đó cậu bước vào quá trình rèn luyện cật lực, phải học cách trong nháy mắt xẻ ba trăm phiến Minh Tang diệp thành hai phần đều nhau, học cách đứng giữa dòng suối chảy dùng kiếm khí gạt phăng làn nước trong vòng một trượng, học cách một kiếm xuyên qua ba người đứng sau tảng đá lớn…

Thành kiếm sĩ là mộng tưởng của mọi thanh niên Thiên Lam, cũng là hy vọng phụ thân gửi gắm vào cậu. Vì thế cậu dốc sức luyện kiếm nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, cậu không kỳ vọng lắm vào danh vị này. Đôi lúc nhàn rỗi, cậu lên núi hái hoa rồi mang xuống tặng các bạn, nhìn dáng vẻ bạn bè hân hoan, cậu cảm thấy lòng thật vui vẻ.

Có lần cậu hái một đóa Băng Uyển hoa, loài hoa chỉ nở trên những vách đá cao ngất, phải từ trên đỉnh thả mình theo dây thừng xuống mới hái được. Đóa hoa mỏng manh, trắng muốt tỏa ra làn u hương khiến người ta thương cảm, lúc cậu đặt nó lên lòng bàn tay để hân thưởng thật kỹ, không ngờ một cơn gió mạnh thổi qua, cuốn đóa hoa rơi xuống vùng mây trắng thăm thẳm dưới vách đá. Đêm đó, cậu ôm gối khóc suốt.

Lúc cậu mười một tuổi, cây kiếm của cậu có linh tính. Đến tận giờ cậu vẫn còn nhớ buổi tối hôm đó, đang ngủ chợt bị đánh thức, mắt nhắm mắt mở đến kiếm thất, thấy cây kiếm của mình tùy theo nhịp hô hấp mà phát ra hồng mang đầy hưng phấn. Cậu đặt tên nó là Phạm Thiên.

Mười lăm tuổi, cậu được đưa đến Hải Nhãn khổ luyện – chỉ khi vượt qua thử thách cậu mới đủ điều kiện thành một kiếm sĩ chân chính.

* * * * *

Hải Nhãn không phải biển cả mà là một vùng sa mạc lam nhạt, không có nước hay thực vật, chỉ có nỗi tuyệt vọng vô biên cùng Thạch long hung hãn. Ngày thứ bảy, cậu gặp một con rồi kịch chiến với nó, Thạch long cực kỳ dũng mãnh, buộc cậu chiến đấu gian khổ suốt ba ngày đêm, không uống một giọt nước. Sau cùng, Phạm Thiên kiếm cũng không phát nổi kiếm khí, rung lên thống khổ trong tay, cậu gần như không thể đứng vững. Con rồng gục trong vũng máu, không còn sức tái chiến, nhìn cậu với vẻ mệt mỏi xen lẫn tuyệt vọng, đau thương. Cậu không giết nó, chỉ cắt một chiếc sừng mang về bộ lạc – cậu trở thành một kiếm sĩ, hoàn thành mộng tưởng của phụ thân.

* * * * *

Ba năm sau, Nhai là tân kỵ binh xuất trận của Thiên Lam châu, gặp được thần tượng của người Thiên Lam, anh hùng vô địch của cả châu – Mục soái. Ông là thống soái của Thiên Lam châu, cũng là thiên hạ đệ nhất kiếm sĩ.

Thời gian mười tám năm không mảy may để lại dấu ấn trên nét mặt Mục soái, ông vẫn khôi vĩ, trầm buồn, trong ánh mắt không hề có Nhai hay bất kỳ ai. Nhai nhìn vào đó, bất giác thầm nhủ: “Ông ta quá tịch mịch bởi ông ta là vô địch chăng?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.