Thiên Long Bát Bộ

Hồi 12: Người đâu gặp gỡ làm chi...

trước
tiếp

Chiếc thuyền đi tới một rặng liễu, xa xa nhìn thấy trên bờ hồ hoa trà rực rỡ, phản chiếu xuống nước đỏ rực một vùng. Đoàn Dự buột miệng khẽ reo lên một tiếng: “Ô kìa”, A Châu hỏi: “Cái gì thế?” Đoàn Dự chỉ vào bụi hoa nói: “Đây là cây sơn trà ở nước Đại Lý chúng tôi. Làm sao ở Thái Hồ cũng trồng được thứ Điền trà này nhỉ?” Nên biết rằng thứ sơn trà ở Vân Nam có danh tiếng hơn cả nên người ta gọi là Điền trà, Điền là tên thường gọi của Vân Nam. A Châu nói: “Đúng thế! Gia trang này có tên là Mạn Đà Sơn Trang, trồng toàn là hoa sơn trà.” Đoàn Dự nghĩ thầm: “Sơn trà còn có tên là hoa Mạn Đà La. Trong việc này lấy tên là Mạn Đà, để xem có những loại danh chủng nào”.

A Châu khua mái chèo đưa con thuyền tới bên bờ nước dưới mấy cây sơn trà. Chàng đưa mắt nhìn qua thấy trên bờ toàn những hoa trà đỏ trắng xen nhau, không có nhà cửa chi hết. Đoàn Dự sinh trưởng ở Đại Lý, hoa trà đối với chàng chẳng có chi là lạ, nghĩ thầm: “Nơi đây sơn trà tuy nhiều nhưng xem chừng chẳng có giai phẩm, có lẽ những loại quí trồng bên trong trang viện”.

A Châu ghé thuyền vào sát bờ, mỉm cười nói: “Đoàn công tử, mình lên một lát rồi xuống ngay” Nàng nắm tay A Bích toan nhảy lên bờ, bỗng nghe tiếng chân bước sột soạt trong rừng hoa rồi một ả tiểu hoàn áo xanh đi ra, trong tay cầm một bó hoa.

Ả này nhìn thấy A Châu, A Bích vội chạy ra bờ hồ, tươi cười nói: “A Châu, A Bích! Các ngươi thật là lớn mật, dám lẻn tới đây. Phu nhân xuống lệnh: Lấy dao rạch ngang rạch dọc mặt hai đứa a đầu cho chúng nó hết còn đẹp như hoa như ngọc nữa.” A Châu cười đáp: “U Thảo tỉ tỉ này, thái thái đi vắng phải không?” U Thảo liếc nhìn Đoàn Dự rồi quay sang nhìn A Châu, A Bích cười nói: “Phu nhân còn bảo: Hai con nhãi đó còn đem cả đàn ông đến Mạn Đà Sơn Trang, phải chặt luôn hai chân gã.” Nàng chưa dứt lời đã cười khúc khích.

A Bích vuốt ngực nói: “U Thảo tỉ tỉ đừng có dọa, chị nói thật hay nói chơi đó?” A Châu cũng cười nói: “Ngươi đừng sợ, nếu như thái thái có nhà thì đời nào cô ả dám cười cợt như vậy? U Thảo muội tử ơi, thái thái đi đâu vậy?” U Thảo cười nói: “Ối giời, ngươi mấy tuổi mà đòi làm chị ta? Sao người đoán được là phu nhân không có nhà?” Rồi ả lại thở dài nói tiếp: “Hai em A Châu, A Bích ơi, mấy khi qua tới đây, ta muốn hai đứa ở chơi vài ngày, có điều…” Nói rồi nàng ta lắc đầu. A Bích nói: “Bộ ta không muốn ở lại đây chơi với ngươi ít lâu hay sao? U Thảo nè, chừng nào ngươi sang chơi bên ta, ta sẽ tiếp chuyện ngươi ba ngày ba đêm, chịu không?”. Hai cô gái vừa nói vừa nhảy lên bờ, A Bích ghé tai U Thảo nói mấy câu, U Thảo cười rộ lên, liếc nhìn Đoàn Dự, A Bích mặt bỗng đỏ bừng. U Thảo một tay nắm A Châu, một tay nắm A Bích nói: “Thôi mình vào nhà chứ?” A Bích quay lại nói: “Đoàn công tử, xin công tử ở nơi đây chờ một lát, bọn muội vào rồi ra ngay.” Đoàn Dự đáp: “Được rồi!” Chàng nhìn theo ba cô a hoàn dắt tay nhau cười cười nói nói đi vào rừng hoa.

Đoàn Dự lên bờ, nhìn quanh quất không thấy ai liền đi ra sau một cây to tiểu tiện. Chàng xuống thuyền ngồi một hồi, không biết làm gì lại đứng lên nghĩ thầm: “Mình thử xem nơi đây hoa Mạn Đà La có giống nào hiếm lạ không.” Thuận chân vừa đi vừa xem hoa, chàng thấy ngoài sơn trà ra không còn một giống gì khác, ngay cả những loại hoa dại thông thường như Khiến Ngưu, Nguyệt Nguyệt Hồng, Tường Vi cũng không thấy. Sơn trà thì nhiều thật nhưng toàn những thứ bình thường, không có giống nào quý cả. Chàng đi được độ mươi trượng mới thấy nhiều loại khá hơn, thỉnh thoảng cũng có một vài bụi xem ra không phải thứ xoàng, có điều vun trồng không đúng cách nên nghĩ bụng: “Trang viện này không đáng gọi là Mạn Đà Sơn Trang, bao nhiêu giống quý bị trồng hỏng kiểu cả.”

Đến đây chàng chợt nghĩ: “Thôi mình quay lại đi thôi, kẻo A Châu và A Bích trở ra không thấy lại nóng ruột.” Đoàn Dự trở gót đi được mấy bước, bỗng kêu lên: “Thôi hỏng rồi”. Thì ra chàng tản bộ trong rừng, chỉ mải xem hoa trà mà quên để ý đường đi nước bước, bây giờ mới giật mình thấy đông một nẻo, tây một lối không biết đâu là đường về, quay trở lại chỗ buộc thuyền không phải dễ, đành nghĩ thầm: “Thôi mình cứ lần ra bờ hồ sẽ hay, bất luận là chỗ nào.”

Thế nhưng chàng càng đi càng lạc lối, chung quanh toàn những cảnh chưa từng qua, trong bụng hoảng thầm. Bất thình lình Đoàn Dự nghe thấy văng vẳng tiếng người nói chuyện, đúng là giọng A Châu. Chàng mừng quá nghĩ thầm: “Thôi mình ở đây chờ nàng ta, đợi nói chuyện xong rồi cùng về một lượt.”

Giọng A Châu nói: “Công tử vẫn mạnh khỏe, ăn uống cũng bình thường. Hai tháng nay công tử luyện môn Đả Cẩu Bổng, chắc là định tỷ thí với các nhân vật Cái Bang.” Đoàn Dự nghĩ thầm: “A Châu đang nói về Mộ Dung công tử. Mình chẳng nên nghe lỏm chuyện của người khác, nên đi xa xa một chút là hơn. Thế nhưng cũng chẳng nên đi xa quá, nếu không họ nói chuyện xong mình cũng không biết được”. Giữa lúc đó bỗng nghe tiếng một cô gái thở dài.

Tiếng thở dài này lọt vào tai Đoàn Dự làm cho chàng bất giác toàn thân run bần bật, trái tim nhảy loạn lên, hai má nóng bừng bừng. Chàng tự hỏi thầm: “Sao trên đời này lại có người mới thở dài đã nghe êm tai đến thế?”. Rồi một giọng u buồn cất tiếng hỏi: “Chuyến này chàng đi đâu?” Đoàn Dự mới nghe tiếng thở dài đã thấy choáng váng, giờ lại nghe nàng ta nói một câu, toàn thân chàng máu như sôi lên sùng sục. Trong lòng vừa cay đắng vừa đau khổ, phần vì ngưỡng mộ, phần vì ghen tuông nói sao cho hết. Chàng lẩm bẩm: “Rõ ràng nàng hỏi chuyện Mộ Dung công tử. Nàng đối với gã thân thiết là thế, nhớ mong là thế, Mộ Dung công tử ơi, nhà ngươi sao mà may mắn đến vậy?

Lại nghe A Châu đáp: “Lúc công tử ra đi có nói là đến Lạc Dương, có cả Đặng đại ca đi theo. Xin cô nướng cứ yên lòng.”

Người con gái kia chậm rãi nói: “Hai đại thần kỹ Đả Cẩu Bổng Pháp và Hàng Long Thập Bát Chưởng của Cái Bang là bí mật của họ không truyền ra ngoài. Tàng phổ của bổng pháp và chưởng pháp ghi trong Hoàn Thi Thủy Các bên đó và Lang Hoàn Ngọc Động ở đây đều khiếm khuyết không đầy đủ. Phương pháp vận công hoàn toàn không có, công tử nhà mi làm sao mà luyện được?” A Châu đáp: “Công tử bảo rằng: Tâm pháp của Đả Cẩu Bổng Pháp cũng do con người sáng tạo nên, tại sao ta lại không nghĩ ra được? Có được bổng pháp rồi, mình suy nghĩ để thêm tâm pháp vào hẳn là không khó.”.

Đoàn Dự nghĩ thầm: “Lời của Mộ Dung Công tử quả là hữu lý, xem ra y không những thông minh mà còn đầy chí khí.” Thế nhưng lại nghe người con gái kia thở dài một tiếng rồi nói: “Dẫu có sáng tác được đi chăng nữa, cũng phải mười năm tám năm, chứ ngày một ngày hai làm sao xong được? Các ngươi có xem công tử luyện bổng pháp không? Có thấy chỗ nào khó khăn trì trệ không?” A Châu đáp: “Bổng pháp này công tử đã luyện thành thục lắm rồi, từ đầu chí cuối tựa hồ nước chảy mây trôi…” Cô gái kia thất thanh kêu lên một tiếng nói: “Thế là hỏng rồi! Có thực…chàng sử bổng mau lẹ lắm không?” A Châu đáp: “Vâng! Có gì chưa được hay sao?” Người con gái kia nói: “Dĩ nhiên là sai rồi. Tuy ta không biết tâm pháp của Đả Cẩu Bổng Pháp nhưng từ bổng pháp mà suy, có một số đường phải càng chậm càng hay, có đường thì phải lúc nhanh lúc chậm, trong chậm có nhanh, trong nhanh có chậm, không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng… chàng chỉ cố cho nhanh, đến khi động thủ với người của Cái Bang, e rằng… e rằng.., các ngươi… có cách gì đưa tin được đến chỗ công tử không?”

A Châu “Ồ” lên một tiếng nói: “Bọn tiểu tỳ không biết công tử lúc này đang ở đâu, cũng không biết đã gặp các trưởng lão của Cái Bang chưa. Khi ra đi công tử có nói là Cái Bang nghi oan cho chúng ta giết Mã phó bang chủ của họ, công tử đến Lạc Dương sẽ phân trần một phen, chưa chắc đã phải động thủ. Nếu không thì công tử với Đặng đại ca hai người làm sao địch được số đông? Chỉ ngại hai bên ngôn ngữ bất đồng… nói năng chưa kịp rõ ràng…”

A Bích hỏi lại: “Cô nương, môn Đả Cẩu Bổng Pháp nếu đánh nhanh thì thực là không ổn hay sao?” Thiếu nữ đáp: “Dĩ nhiên là không ổn, còn thực giả gì nữa? Sao lúc chàng… chàng ra đi, không đến đây gặp ta?” Nàng ta vừa nói vừa dậm chân nhè nhẹ, tỏ ra bực bội, lại có vẻ lo lắng, tiếng dậm chân quả là dịu dàng dễ nghe.

Đoàn Dự rất lấy làm kỳ, nghĩ thầm: “Ta ở Đại Lý nghe người ta nói đến Cô Tô Mộ Dung là vừa sợ hãi vừa kính trọng. Thế nhưng nghe cô nương này nói, dường như võ nghệ của Mộ Dung công tử còn phải nhờ nàng chỉ điểm. Không lẽ một cô thiếu nữ nhỏ tuổi như vậy lại có bản lãnh ghê gớm đến thế ư?” Chàng còn đang nghĩ ngợi xuất thần, đầu đụng ngay vào một cành cây đưa ngang, buột miệng kêu lên một tiếng, vội đưa tay lên bịt miệng thì đã không kịp nữa rồi.

Cô gái kia hỏi: “Ai đó?” Đoàn Dự biết không còn trốn tránh được nữa, liền tằng hắng một tiếng, từ sau bụi cây nói: “Tại hạ Đoàn Dự, mải mê thưởng ngoạn kỳ hoa dị thảo trong quí trang vô tình lỡ bước tới đây, xin được thứ tội.” Cô gái kia hỏi nhỏ: “A Châu! Phải chăng đây là vị tướng công cùng tới đây với các ngươi?” A Châu vội đáp: “Thưa phải! Xin cô nương đừng để tâm, chúng tôi đi ngay bây giờ.” Thiếu nữ kia đáp: “Hãy khoan! Ta muốn viết một phong thư cho chàng, dặn là nếu như bất đắc dĩ phải động thủ với người của Cái Bang thì nhất quyết chớ có dùng Đả Cẩu Bổng Pháp, chỉ nên dùng võ công của mình thôi. Không thể nào gậy ông đập lưng ông được đâu! Các ngươi liệu cách mà đưa đến cho công tử.” A Châu tỏ vẻ ngần ngại đáp: “Cái đó… thái thái từng dặn là…” Thiếu nữ hỏi: “Sao? Bọn mi chỉ nghe lời phu nhân, không nghe lời ta chăng?” Trong giọng nàng dường như có vẻ hơi giận. A Châu vội đáp: “Chỉ cần cô nương không để cho thái thái hay, tì tử dĩ nhiên là tuân lệnh, huống chi đây là vì công tử.” Cô gái nói: “Hai đứa theo ta đến thư phòng để lấy thư.” A Châu dường như hơi miễn cưỡng, một hồi sau mới đáp: “Vâng!”

Đoàn Dự từ khi nghe cô gái thở dài, về sau càng nghe nàng nói càng thấy mê man. Giờ thấy nàng toan trở gót về phòng, chàng nghĩ bụng: “Nàng đi rồi, e rằng không còn dịp nào được gặp mặt nữa thì thật là thắc mắc suốt đời. Ta đành mạo phạm nhìn cho thấy mặt rồi bị trách mắng gì cũng chịu”. Chàng thu hết cản đảm nói: “A Bích tỉ tỉ, cô ở lại đây với tôi được không?” Chàng vừa gọi vừa bước tới. Thiếu nữ nghe thấy chàng đi tới vội la lên một tiếng “Ô hay” rồi quay đi.

Đoàn Dự ở trong bụi cây bước ra, chỉ thấy một nữ lang mặc áo tơ màu cánh sen đang nhìn lên những bông hoa, thân hình mảnh dẻ, tóc dài buông xõa xuống lưng, chỉ buộc hở bằng một dải lụa màu bạc, Đoàn Dự mới trông thấy bóng dáng sau lưng nàng, bên mình như có khói mây vương tỏa, cốt cách ra vẻ thần tiên, dường như không phải người trần tục. Chàng liền vái dài nói: “Tại hạ Đoàn Dự xin bái kiến cô nương.”

Cô gái dậm chân nhè nhẹ, phụng phịu nói: “A Châu, A Bích! Các ngươi thật là rắc rối! Ta có gặp mặt nam giới bên ngoài bao giờ đâu?” Nói rồi, nàng đi thẳng về phía trước, qua mấy khúc quanh đã khuất vào trong bụi hoa mất rồi.

A Bích nhìn Đoàn Dự mỉm cười nói: “Đoàn công tử, vị cô nương đây rất khó tính khó nết. Thôi mình mau mau đi ra.” A Châu cũng mỉm cười nói: “May nhờ có Đoàn công tử đến giải vây, không thì thế nào cũng bị Vương cô nương bắt đưa thư rất là phiền phức. Hai cái mạng nhỏ xíu của chị em chúng tôi e rằng nguy mất.”

Đoàn Dự lật đật chạy ra bị nữ lang nói mấy câu làm cụt hứng, tưởng còn bị A Châu, A Bích oán ghét nữa là khác, nào ngờ lại được cảm ơn thật là ngoài dự tính. Chàng nhìn người con gái tuy đã đi xa nhưng hình bóng vẫn còn vấn vương trước mắt, cảm thấy bâng khuâng, lại ngẩn ngơ nhìn theo bóng nàng lẫn sau những lùm hoa.

A Bích giật nhẹ tay áo chàng, Đoàn Dự cũng không hay biết. A Châu cười nói: “Đoàn công tử, thôi mình đi.” Đoàn Dự chân như đóng đinh xuống đất, phải mất một chốc mới như choàng tỉnh hỏi lại: “Mình phải đi ngay hay sao?” Chàng thấy A Châu, A Bích đã cất bước đi trước nên đành lẽo đẽo theo sau, đi một bước lại ngoái đầu, quyến luyến mãi không thôi.

Ba người về đến thuyền, A Châu và A Bích liền cầm mái giầm chèo ngay. Đoàn Dự vẫn ngẩn ngơ nhìn những đóa hoa trà trên bờ, nghĩ bụng: “Đoàn Dự ta nếu như vô phúc, sao lại được nghe cô nương đó thở dài một tiếng thỏ thẻ mấy câu, rồi lại được thấy phong thái thần tiên kia? Mà nếu như có phúc, sao đến mặt nàng cũng chưa được ngó qua?” Chàng thấy những bụi hoa trà xa dần, trong lòng dâng lên một nỗi u hoài man mác. Bỗng ngay lúc đó, A Châu kêu lên một tiếng kinh hoàng, lắp bắp: “Thái thái… thái thái về kìa.”

Đoàn Dự quay đầu nhìn thấy trên mặt hồ một chiếc thuyền đang lướt tới như bay, trong chớp mắt đã đến gần. Trên đầu thuyền vẽ đầy các loại hoa sặc sỡ, đến gần mới thấy toàn là hoa trà. A Châu, A Bích vội đứng dậy khép nép cúi đầu, vẻ mặt cực kỳ nghiêm cẩn. A Bích luôn tay ra hiệu cho Đoàn Dự, bảo chàng cũng đứng lên. Đoàn Dự mỉm cười lắc đầu nói: “Bao giờ phu nhân bước ra đầu thuyền lên tiếng, ta sẽ đứng lên để tỏ lòng kính cẩn. Nam tử hán đại trượng phu không thể quá khúm núm hạ mình như thế.”

Bỗng từ trong khoái thuyền có tiếng đàn bà quát vọng ra: “Tên đàn ông nào dám to gan bén mảng đến Mạn Đà Sơn Trang đó? Mi không biết bất luận gã đàn ông nào đã vào đây đều bị chặt chân hay sao?” Giọng nói trong trẻo dễ nghe nhưng cực kỳ oai nghiêm. Đoàn Dự đáp: “Tại hạ Đoàn Dự trên đường lánh nạn đi ngang qua quí trang, thực không có ý đường đột chút nào, xin nghiêng mình tạ lỗi.” Người đàn bà kia hỏi: “Ngươi họ Đoàn ư?” Trong âm thanh có chiều ngạc nhiên, Đoàn Dự đáp: “Chính thế.”

Người kia lại nói tiếp: “A Châu, A Bích hai con nhãi kia đi quàng đi xiên phải chăng? Thằng lỏi Mộ Dung Phục điều hay không học, chỉ chuyên giở chuyện tầm phào.” A Châu đáp: “Khải bẩm thái thái, tiểu tì bị địch nhân đuổi gắt quá nên phải chạy tới Mạn Đà Sơn Trang. Công tử tiểu tì ra đi rồi. Việc tiểu tì đến đây, công tử quả không biết tí gì.” Người đàn bà trên thuyền cười khẩy: “Hứ, các ngươi chỉ được dẻo mồm cãi lý là hay. Không được đi đâu hết, mau theo ta.” A Châu, A Bích cùng đáp: “Dạ.” Hai nàng liền chèo chiếc thuyền con đi theo đằng sau, lúc này cách Mạn Đà Sơn Trang không xa mấy nên chỉ chốc lát đã nhìn thấy bờ.

Tiếng ngọc đeo loảng xoảng vang lên, trong thuyền thị nữ áo xanh xếp hàng đôi cầm trường kiếm đi ra, lưỡi kiếm sáng loáng, ánh kiếm lập lòe tựa hoa bay. Mười tám người xếp thành hai hàng, kiếm giữ ngang hông, lưỡi chĩa lên trời. Sau khi họ đã an vị, từ trong khoang lại bước ra một vị nữ lang. Đoàn Dự vừa nhìn thấy tướng mạo nữ lang, nhịn không nổi kêu lên một tiếng thất thanh, mồm há hốc tưởng như đang nằm mộng. Thì ra người đàn bà đó mặc áo dài màu vàng nhạt, từ y phục cho đến đồ trang sức hệt như pho ngọc tượng trong thạch động bên nước Đại Lý. Có điều nữ lang này tuy xinh đẹp nhưng đã đứng tuổi, trạc độ tứ tuần, còn pho tượng kia là một thiếu nữ chừng mười tám mười chín tuổi. Đoàn Dự sau cơn kinh hoàng nhìn kỹ lại tướng mạo mỹ phụ kia mới nhận ra là so với pho tượng ngọc thì mắt mũi miệng đều không bằng mà cũng nhiều tuổi hơn nên vẻ mặt dầy dạn phong trần, nhưng cũng giống đến năm sau phần mười, A Châu, A Bích thấy Đoàn Dự cứ giương mắt nhìn phu nhân trừng trừng có vẻ cực kỳ vô lễ, trong bụng kêu khổ liên hồi, liên tiếp ra hiệu bảo chàng quay đi nơi khác nhưng đôi mắt Đoàn Dự vẫn dán chặt vào mặt bà ta. Vương phu nhân liếc mắt nhìn Đoàn Dự nói: “Gã này vô lễ. Trước hết chặt chân gã rồi mới móc mắt và cắt lưỡi.” Một ả thị nữ khom lưng đáp: “Xin vâng!” .

Đoàn Dự thót cả ruột, nghĩ thầm: “Giá như họ giết mình đi còn hơn. Đằng này họ chặt chân, móc mắt, cắt lưỡi, sống không sống được, chết chẳng chết cho, tội gì đâu mà to thế?” Đến bây giờ chàng mới thấy trong lòng sợ hãi, quay đầu lại nhìn A Châu, A Bích thì thấy hai cô mặt xám như gà cắt tiết, người đứng đờ ra như tượng gỗ.

Vương phu nhân lên bờ rồi, trên thuyền lại đi ra thêm hai tên thị nữ áo xanh nữa, kéo theo sau hai người đàn ông mặt mày ủ rũ tay bị xích sắt khóa chặt. Một người mi thanh mục tú, trông ra dáng con nhà giàu có, còn một người Đoàn Dự nhận ra được là một đệ tử phái Vô Lượng tên là Đường Quang Hùng. Đoàn Dự lạ quá: “Tên này ở tận Đại Lý sao lại bị Vương phu nhân bắt đem tới Giang Nam làm gì?”

Bỗng nghe Vương phu nhân quay sang hỏi Đường Quang Hùng: “Rõ ràng mi là người nước Đại Lý, sao không chịu nhận đi?” Đường Quang Hùng đáp: “Tại hạ ở Vân Nam, quê quán không thuộc về nước Đại Lý.” Vương phu nhân lại hỏi: “Thế quê mi cách Đại Lý bao xa?” Đường Quang Hùng đáp: “Hơn bốn trăm dặm.” Vương phu nhân nói: “Chưa tới năm trăm dặm thì cũng coi như người Đại Lý rồi. Đem y chôn sống dưới gốc Mạn Đà La để bón cho cây.” Đường Quang Hùng hoảng hốt kêu lên: “Nhưng tại hạ phạm tội gì mới được chứ? Nếu không rõ thì chết cũng không nhắm mắt.” Vương phu nhân cười khẩy: “Cứ là người Đại Lý hoặc người họ Đoàn mà gặp ta là bị chôn sống, chỉ có thế thôi. Mi đến Tô Châu làm chi? Đã dám đến Tô Châu lại dám mở mồm nói giọng Đại Lý, ba la bộ lô nơi quán rượu là sao? Tuy mi không phải ở Đại Lý, nhưng là người lân cận nước Đại Lý thì cũng thi hành một luật.”

Đoàn Dự nghĩ thầm: “Ối trời, phải chăng mụ ta tính nói xỏ mình? Ta chẳng cần chờ mụ hỏi, cứ nhận trước đi cho rồi.” Chàng bèn lớn tiếng nói: “Ta là người nước Đại Lý, lại chính trong họ Đoàn. Ngươi muốn chôn sống ta thì hạ thủ ngay đi!” Vương phu nhân lạnh lùng đáp: “Ngươi đã báo danh rồi. Tên là Đoàn Dự chứ gì? Được lắm! Người họ Đoàn nước Đại Lý đâu có được chết dễ dàng như thế?”

Phu nhân vẫy tay một cái, tên thị nữ lôi ngay Đường Quang Hùng đi. Không biết y bị điểm huyệt hay bị trọng thương mà không thấy kháng cự chút nào, chỉ kêu ầm lên: “Thế gian sao lại có cái luật lệ kỳ dị như vậy? Mấy trăm vạn người nước Đại Lý liệu mụ có giết hết được không?” Thế nhưng y bị kéo vào trong rừng hoa mỗi lúc một xa, tiếng kêu cũng nhỏ dần.

Vương phu nhân nghiêng đầu đi một chút nhìn chàng thanh niên này thanh mắt sáng hỏi: “Mi có điều chi muốn nói nữa chăng?” Chàng thanh niên vội quỳ rạp xuống đất, dập đầu lạy luôn mấy cái nói: “Gia phụ làm quan tại triều, dưới gối chỉ có mình tiểu nhân là con. Xin phu nhân tha mạng cho. Dù phu nhân muốn điều chi, gia phụ cũng nhất định vâng theo.” Vương phu nhân lạnh lùng đáp: “Cha mi làm quan lớn trong triều, lẽ nào ta không biết? Ngươi muốn sống cũng chẳng khó gì, hôm nay về nhà giết vợ đi, rồi sáng mai làm cho đủ lễ nghi mà cưới Miêu thị, kẻ tư tình với mi. Mi có bằng lòng không?” Chàng thanh niên ấp úng: “Về việc đang tay… giết vợ, tiểu nhân không dám làm. Còn việc mối lái cưới xin đàng hoàng để lấy Miêu thị thì song thân tiểu nhân nhất định không chịu. Không phải là tiểu nhân…”. Y chưa dứt lời phu nhân đã ra lệnh: “Đem chôn sống đi!” Tên thị nữ đang dắt y chỉ “vâng” một tiếng rồi lôi xệch đi. Chàng thanh niên sợ run bắn người, vội nói: “Tiểu nhân xin… xin tuân mệnh.” Vương phủ nhận nói: “Tiểu Thúy! Mi áp giải gã về thành Cô Tô, phải chính mắt nhìn thấy gã ra tay giết vợ, cùng Miêu cô nương thành thân rồi hãy về đây phục mệnh.” Tiểu Thúy đáp lời: “Dạ!” Ả lôi gã công tử kia lên bờ đi về phía bến đò, xuống một con thuyền nhỏ.

Gã kia miệng vẫn năn nỉ: “Xin phu nhân mở lượng từ bi, vợ chồng tiểu nhân không thù không oán, phu nhân lại không quen biết Miêu cô nương. Tiểu nhân cũng chưa từng quen biết phu nhân, hà tất phu nhân bắt tiểu nhân giết vợ để lấy người khác làm chi? Từ nay tiểu nhân quyết không dám làm điều gì đắc tội nữa.” Vương phu nhân nói: “Mi đã có vợ rồi, sao còn đi dùng lời ngon ngọt để tán tỉnh các cô gái khác? Ta không biết thì thôi, một khi đã biết ra đều xử theo đường lối này. Vả lại mi có phải mới phạm lần đầu đâu, còn oán trách nỗi gì? Tiểu Thúy, vụ này là vụ thứ mấy rồi?” Tiểu Thúy đáp: “Những chỗ tiểu tì nghe Thường Thục, Đan Dương, Vô Tích, Gia Hưng cả thảy bảy vụ. Còn những vụ ở chỗ khác thì phu nhân hỏi Tiểu Lan, Tiểu Thi sẽ rõ.” Gã công tử kia nghe cô ta liệt kê ra như thế, bủn rủn cả người, luôn miệng kêu than, Tiểu Thúy quạt mái chèo, bơi thuyền đi luôn.

Đoàn Dự thấy Vương phu nhân hành động cực kỳ ngang ngược, không đếm xỉa đến lý lẽ thì miệng há hốc ra đứng chết trân, trong bụng chỉ nghĩ được bốn chữ: “Lý nào lại thế?”, tự nhiên buột miệng: “Lý nào lại thế? Lý nào lại thế?” Vương phu nhân hừ một tiếng rồi nói: “Trên đời chẳng có việc chi ta phải đợi có lý mới làm.”

Đoàn Dự vừa thất vọng lại vừa khó chịu. Chàng nhớ lại bữa trước vào thạch động núi Vô Lượng, được thấy pho tượng thần tiên liền xiết bao ngưỡng mộ. Bây giờ con người trước mắt tuy hình dáng tương tự nhưng lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi lại chẳng khác gì yêu ma quỉ quái.

Chàng còn đang cúi đầu ngơ ngẩn thì thấy bốn đứa nữ tì quay vào khoang thuyền bưng ra bốn chậu hoa. Chàng vừa trông thấy, tự nhiên tinh thần lại thấy phấn khởi. Nguyên bốn chậu hoa này đều là những giống sơn trà rất hiếm. Trong thiên hạ nói về sơn trà thì Đại Lý đứng đầu, mà phủ Trấn Nam vương thì phải nói là số một trong nước Đại Lý. Đoàn Dự từ bé đã quen ngắm hoa trà, mỗi khi nhàn rỗi vẫn thường ngồi cùng bọn trồng hoa bàn bạc phê bình, nên dở hay xấu tốt chàng thuộc nằm lòng chẳng cần học cũng biết, chẳng khác nào con nhà nông phân biệt lúa má hay con cháu ngư ông sành sỏi các loại cá tôm. Chàng đi lang thang từ sáng chưa thấy gốc hoa nào được gọi là giai phẩm, không khỏi thấy bốn chữ Mạn Đà Sơn Trang danh cao hơn thực, bây giờ nhìn thấy bốn chậu hoa này liền tấm tắc: “Quả nhiên cũng có được ít nhiều”.

Bỗng nghe Vương phu nhân gọi: “Tiểu Trà! Bốn chậu Mãn Nguyệt này khó kiếm lắm đấy! Mi phải trông nom chăm chút nghe!” Ả thị nữ tên gọi Tiểu Trà đáp: “Vâng!” Đoàn Dự nghe bà ta nói sai bét liền bật ra một tiếng cười khẩy. Vương phu nhân lại tiếp: “Đi trên mặt hồ gió to, bốn chậu trà để luôn trong thuyền mấy ngày, thiếu ánh mặt trời chiếu vào, mi phải đem ra phơi nắng rồi bón thêm phân cho nó.” Tiểu Trà lại “vâng” một tiếng. Đoàn Dự không còn nhịn thêm được nữa, lớn tiếng cười ha hả.

Vương phu nhân nghe tiếng cười có vẻ khác lạ, bèn hỏi: “Mi cười gì?” Đoàn Dự đáp: “Ta buồn cười cho bà đã chẳng biết tí gì về sơn trà mà lại học đòi trồng trà. Những loại giai phẩm như thế này vào tay bà thật có khác gì hồng cho chuột vọc, ngọc để ngâu vầy, đem đàn chụm lửa, bắt hạc nấu canh, thật là uổng phí. Tiếc thay, tiếc thay! Đau lòng, đau lòng!”

Vương phu nhân nổi giận nói: “Mi bảo ta không hiểu sơn trà, dễ thường cái ngữ mi hiểu được chăng?” Đột nhiên bà ta chợt nghĩ “Ừ, gã này là con cháu họ Đoàn nước Đại Lý, không chừng gã hiểu sơn trà cũng nên.” Nghĩ vậy thì nghĩ nhưng phu nhân vẫn khinh khỉnh nói: “Bản trang đặt tên là Mạn Đà Sơn Trang, trong nhà ngoài ngõ chỗ nào cũng toàn là hoa Mạn Đà La mọc tốt như rừng, sao lại bảo là ta không biết trồng sơn trà?” Đoàn Dự mỉm cười: “Cái thứ hoa hạng bét kia vứt đâu mà chẳng mọc, chẳng khác con gái nhà quê vai u thịt bắp chỉ ăn khoai cũng béo tốt. Còn bốn chậu trà này là bậc quốc sắc thiên hương, nếu bà trồng được nó tươi tốt thì ta quyết không phải người họ Đoàn.”

Vương phu nhân rất thích hoa trà, không kể tốn phí đi các nơi lùng tìm giai phẩm, thế nhưng cứ đem về Mạn Đà Sơn Trang thì các thứ trà hiếm có chỉ được một năm hay dăm bảy tháng rồi sinh bệnh mà chết, bà ta thường cũng vì thế mà buồn phiền. Giờ thấy Đoàn Dự nói vậy, phu nhân không giận mà lại mừng thầm, tiến lại hai bước hỏi: “Bốn chậu trà này có gì đặc biệt? Muốn trồng cho đúng cách phải làm thế nào?” Đoàn Dự nói: “Nếu bà muốn học hỏi thì phải có cái lễ phép của người muốn học. Còn bà muốn làm oai làm phước thì chặt chân cắt lưỡi ta trước rồi mới hỏi cũng chưa muộn mà.”

Vương phu nhân tức mình nói: “Mi muốn chặt chân phỏng có khó gì? Tiểu Thi đâu! Mi chặt chân trái gã trước!” Ả nữ tỳ tên gọi Tiểu Thi “vâng” một tiếng rồi xách kiếm bước ra. A Bích vội la lên: “Thưa phu nhân! Không nên chặt chân Đoàn công tử vội. Công tử là người rất quật cường, thà chết chứ không chịu nói đâu.” Thực ra Vương phu nhân cũng chỉ hăm dọa chàng mà thôi, liền giơ tay trái lên, Tiểu Thi dừng bước. Đoàn Dự cười nói: “Sao bà không chặt hai chân ta để bón bốn khóm bạch trà này cho tốt? Bốn cây trà quý này không chừng sẽ ra hoa lớn bằng miệng tô. Ha ha, hay thật!”

Vương phu nhân vốn cũng có ý đó, nay nghe chàng nói có vẻ như mỉa mai, không biết nói sao, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo: “Mi chỉ toàn ba hoa. Ta hỏi mi: bốn chậu bạch trà của ta quý thì quý ở chỗ nào, nói cho ta nghe thử? Nếu mi nói nghe được, ta sẽ theo lễ đối đãi cũng chưa muộn.” Đoàn Dự đáp: “Vương phu nhân, bà bảo bốn chậu hoa trà này tên là Mãn Nguyệt, sai bét. Đến như tên hoa bà còn chưa rành, làm sao dám gọi là kẻ biết chơi hoa? Trong số này một chậu tên là Hồng Trang Tố Lý, một chậu tên là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm (vuốt cào mặt mỹ nhân).” Vương phu nhân lạ lùng: “Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm? Tên hoa gì mà kỳ thế? Đó là cây nào?” Đoàn Dự nói: “Bà muốn thỉnh giáo tại hạ thì phải nói cho lễ phép.”

Vương phu nhân bị chàng ép cho không biết phải làm sao, nhưng nghe nói bốn chậu trà này có những cái tên đặc biệt, trong lòng hớn hở liền mỉm cười nói: “Hay lắm! Tiểu Thi đâu! Mi bảo nhà bếp thiết yến tại Vân Cẩm Lâu để ta khoản đãi Đoàn công tử.” Tiểu Thi vâng dạ đi ngay.

A Châu, A Bích nhìn nhau, hai nàng thấy Đoàn Dự chẳng những không chết lại còn được Vương phu nhân tiếp đãi vào hạng thượng tân, thật hoan hỉ không để đâu cho hết.

Đứa tì nữ áp giải Đường Quang Hùng bây giờ đã quay lại bẩm bảo: “Gã họ Đường người Đại Lý kia đã đem chôn dưới gốc hoa màu đỏ nơi Hồng Hà Lâu rồi.” Đoàn Dự trong bụng xót xa. Vương phu nhân dường như không mảy may động tâm, quay lại nói: “Xin mời Đoàn công tử.” Đoàn Dự đáp: “Vãn sinh mạo muội, xin hiền chủ nhân thứ lỗi.” Vương phu nhân đáp: “Đại hiền giá lâm, Mạn Đà Sơn Trang đến cỏ cây cũng thêm phần rạng rỡ.” Hai người vừa đối đáp những câu khách sáo vừa đi rất ung dung, khác hẳn lúc nãy sinh mệnh Đoàn công tử dường như ngàn cân treo đầu sợi tóc.

Vương phu nhân đưa Đoàn Dự qua một chiếc cầu đá, theo một con đường mòn đến trước một tòa tiểu lâu. Đoàn Dự nhìn thấy dưới mái hiên có một tấm biển viết ba chữ Vân Cẩm Lâu màu xanh theo lối chữ triện, dưới lầu trước sau trái phải chỗ nào cũng trồng toàn hoa trà. Có điều những giống trà ở đây mà ở Đại Lý chỉ đáng đứng vào hàng thứ ba, thứ tư trở xuống. Đình tạ, lầu các cực kỳ lịch sự mà cỏ hoa lại tầm thường nên mất cả vẻ tương xứng.

Vương phu nhân lộ vẻ đắc ý nói:”Đoàn công tử! Bên quý quốc nhiều trà thật nhưng có lẽ không bì kịp đây.” Đoàn Dự gật đầu đáp: “Vâng! bên Đại Lý quả không trông những thứ trà này.” Vương phu nhân lại càng tự đắc hỏi: “Thật ư?” Đoàn Dự nói: “Bên nước tôi từ kẻ dân dã, ngu phu tục tử cũng biết các loại hoa này phẩm chất kém cỏi, trồng chẳng cao sang gì.” Gương mặt Vương phu nhân tức thời biến sắc, hỏi: “Công tử nói sao? Hoa trà của ta đây là những thứ không ra gì? Thế thì công tử khinh người quá!” Đoàn Dự nói: “Phu nhân không tin tôi thì đó là quyền của phu nhân.” Chàng vừa nói vừa chỉ một khóm hoa trà có vân ngũ sắc trước lầu, nói tiếp: “Tỷ như khóm trà này phu nhân cho là quý lắm ư? Đẹp thật, cái lan can bên cạnh đẹp thật!” Chàng tấm tắc khen cái lan can đẹp mà hoa thì không đếm xỉa gì đến, chẳng khác nào người xem chữ viết, không nhắc đến chữ mà chỉ khen lấy khen để mực đen giấy tốt.

Khóm hoa trà này có bông hồng, bông trắng, bông tía, bông vàng quả là rực rỡ, từ trước tới nay Vương phu nhân vẫn coi là trân phẩm. Nay nghe Đoàn Dự có ý mỉa mai, lông mày bà nhướng lên, mắt lộ sát ý. Đoàn Dự nói: “Xin hỏi phu nhân, giống hoa này ở Giang Nam gọi tên là gì?” Vương phu nhân hậm hực đáp: “Ở đây không có tên gì đặc biệt, chỉ gọi là Ngũ Sắc Trà Hoa.” Đoàn Dự mỉm cười: “Bên Đại Lý chúng tôi gọi nó là Lạc Đệ Tú Tài.” Vương phu nhân bĩu môi nói: “Tên gì mà khó nghe thế, chắc ngươi tiện mồm đặt ra chứ gì. Khóm hoa này đủ màu mỹ lệ đường hoàng, sao lại giống gã thư sinh thi hỏng?” Đoàn Dự nói: “Phu nhân thử đếm coi! Khóm trà đó có cả thảy mấy màu?” Vương phu nhân đáp: “Ta đã đếm qua, cũng phải có đến mười lăm, mười sáu màu khác nhau.” Đoàn Dự nói: “Cả thảy là mười bảy màu. Bên Đại Lý tôi có thứ trà kêu bằng Thập Bát Học Sĩ. Đó là thứ quý nhất thiên hạ. Cả khóm có mười tám đóa mà mầu sắc không đóa nào giống đóa nào: hồng thì toàn hồng, tía cũng toàn tía, chứ không hỗn tạp. Về hình dạng cũng khác nhau, mỗi đóa có một vẻ đẹp riêng. Cả mười tám đóa nở cùng một lúc, tàn tạ cũng trong một giờ. Phu nhân đã được xem chưa?” Vương phu nhân nghe qua thẫn thờ, lắc đầu đáp: “Thiên hạ có thứ trà quý thế kia ư? Ta chưa được nghe thấy bao giờ.”

Đoàn Dự nói: “Kém Thập Bát Học Sĩ một mức là Thập Tam Thái Bảo, một cây có mười ba đóa hoa khác nhau. Rồi đến Bát Tiên Quá Hải là tám đóa khác nhau trên một cây, Thất Tiên Nữ là bảy đóa, Phong Trần Tam Hiệp là ba đóa, Nhị Kiều là một trắng một đỏ hai đóa. Nói đến hoa trà là phải thuần sắc, nếu như hoa đỏ có pha mầu trắng, hoặc hoa trắng có pha sắc tía đều là hạng kém.” Vương phu nhân bỗng nhiên đờ đẫn, mắt nhìn xa xăm lẩm bẩm một mình: “Sao y không nói cho ta biết nhỉ?”

Đoàn Dự nói tiếp: “Trong Bát Tiên Quá Hải phải có hoa màu tía sậm và màu hồng nhạt, đó là Lý Thiết Quài và Hà Tiên Cô, nếu thiếu hai màu đỏ, dù đủ tám màu cũng không được gọi là Bát Tiên Quá Hải mà gọi là Bát Bảo Trang, tuy cũng là danh chủng nhưng dưới Bát Tiên Quá Hải một bậc.” Vương phu nhân nói: “Thế ư?” .

Đoàn Dự lại tiếp: “Riêng về Phong Trần Tam Hiệp cũng có chính phẩm và phó phẩm. Nếu là chính phẩm, trong ba đóa thì đóa màu tía phải to nhất tượng trưng cho Cầu Nhiêm Khách, đóa màu trắng nhỏ hơn tượng trưng cho Lý Tĩnh, đóa màu hồng nhỏ nhất nhưng cũng kiều diễm nhất tượng trưng cho Hồng Phất Nữ. Nếu như đóa màu hồng lại to hơn hai đóa kia thì là phó phẩm, hai đằng một trời một vực.” Người ta thường ví quen thuộc như đồ trong nhà mình. Trong nhà Đoàn Dự có tất cả những loại này nên chàng nói vanh vách đâu ra đấy. Vương phu nhân ngồi nghe và chiều thú vị, than rằng: “Ngay phó phẩm ta cũng chưa được thấy qua chứ đừng nói đến chính phẩm.”

Đoàn Dự lại trỏ vào cây hoa trà ngũ sắc phê bình: “Luận về tư cách loại này so với Thập Bát Học Sĩ thì còn thiếu một màu, ngoài ra màu sắc lại bác tạp không thuần, nở thì khi sớm khi muộn, hoa thì đóa nhỏ đóa to. Học đòi làm Thập Bát Học Sĩ thì không xong, chẳng khác gì Đông Thi giả nhăn mặt. Tỷ như sĩ tử văn bài kém cỏi, lẽ tất nhiên thi rớt nên mới có cái tên Lạc Đệ Tú Tài.” Vương phu nhân nghe thích quá, bật cười nói: “Kể ra đúng đấy. Nhưng cái tên sao vừa chanh chua, vừa khắc bạc, hẳn là do đám nho sinh đặt ra.”

Đến lúc này, Vương phu nhân đã mười phần tin tưởng Đoàn Dự sành sỏi trà hoa, bèn dẫn chàng lên trên Vân Cẩm Lâu. Đoàn Dự thấy trên lầu trần thiết sang trọng đẹp đẽ, giữa là một bức trung đường vẽ cảnh khổng tước khai bình, hai bên là hai câu đối: “Lá rậm mây không sánh kịp, Hoa tươi tuyết phải ghen thầm” (Tất diệp vân sai mật, Trà hoa tuyết đố nghiên). Chẳng mấy chốc đã thấy gia phân bày tiệc rượu, Vương phu nhân mời Đoàn Dự ngồi bên trên, còn mình ngồi bên dưới để bồi tiếp.

Những món ăn trong tiệc hôm nay thật khác xa bữa tiệc A Châu, A Bích khoản đãi. Các món ăn hai cô a hoàn mời chàng thì lấy thanh nhã là chính, trong những món thật tầm thường có ẩn những nét tinh xảo công phu. Bữa tiệc ở Vân Cẩm Lâu hôm nay thì lại chủ về sang trọng phô trương, tay gấu, vây cá đều toàn những món cực kỳ quý hiếm. Thế nhưng Đoàn Dự sinh trưởng nơi chốn đế vương, những món quí báu đến mấy chàng cũng coi là thường, nên lại thấy bữa tiệc ở Mạn Đà Sơn Trang kém xa ở Cầm Vận Tiểu Trúc.

Rượu được ba tuần, Vương phu nhân hỏi: “Họ Đoàn Đại Lý là thế gia trong võ lâm, cớ sao công tử không tập võ?” Đoàn Dự đáp: “Người họ Đoàn ở Đại Lý đông lắm, con cháu hoàng tộc tôn thất thì đều có tập, còn như vãn sinh là dân dã tầm thường thì làm gì biết võ công.” Chàng nghĩ mình sống chết ở trong tay người thật là bệ rạc, không nên thổ lộ gia thế làm gì để khỏi làm giảm uy danh của bá phụ và gia gia. Vương phu nhân hỏi tiếp: “Công tử con nhà bách tính tầm thường hay sao?” Đoàn Dự đáp: “Vâng!” Vương phu nhân hỏi tiếp: “Thế công tử có quen biết người nào họ Đoàn trong hoàng thất hay không?” Đoàn Dự một mực chối phăng: “Tuyệt nhiên không biết.”

Vương phu nhân ngơ ngẩn hồi lâu rồi xoay qua đề tài khác, nói: “Vừa rồi công tử phẩm bình xác đáng về các thứ hoa trà khiến cho ta như được vén đám mây mù, nhìn thấy trời cao. Bốn chậu bạch trà lần này ta kiếm được, kẻ trồng hoa trong thành Tô Châu bảo là Mãn Nguyệt, công tử lại bảo một chậu là Hồng Trang Tố Lý, còn một chậu là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm. Vậy có những điểm nào phân biệt, xin công tử nói rõ cho biết?” Đoàn Dự đáp: “Chậu hoa có đóa lớn màu trắng lại lấm tấm chấm đen kia thì gọi là Mãn Nguyệt. Những vệt đen đó tượng trưng các cành quế nơi cung trăng. Cây hoa cánh trắng có hai đốm hình quả trám màu đen kia tên gọi là Nhãn Nhị Mị (đôi mắt đưa tình).” Vương phu nhân mừng quá nói: “Cái tên hay thật!”

Đoàn Dự nói tiếp: “Chậu hoa cánh trắng mà có vân hồng gọi là Hồng Trang Tố Lý. Còn cánh trắng nhưng có quầng mầu xanh, thêm vạch mờ mờ màu đỏ thì gọi là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm. Thế nhưng nếu cánh có nhiều tia đỏ thì lại không còn là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm nữa mà là Ỷ Lan Kiều. Phu nhân thử nghĩ coi, đã là mỹ nhân thì phải thuần nhã ôn nhu, trên mặt thỉnh thoảng bị sướt một đường hẳn là khi chải đầu soi gương vô tình cào phải mặt. Hoặc giả không phải do mình thì do chơi đùa với con anh vũ, bị vuốt chim cào trúng, thành thử quầng mầu xanh trên cánh hoa kia chính là lông chim vương phải. Còn như khắp mặt sây sát, tỏ ra có tiền án tiền sự cùng người gây sự đánh nhau thì còn đâu là vẻ mỹ nhân?”

Vương phu nhân từ trước đến giờ nghe chàng nói luôn luôn gật đầu, thật là vui sướng, thốt nhiên sa sẩm nét mặt quát lên: “Quân này to gan thật! Mi mạt sát ta đấy chăng?” Đoàn Dự cả kinh, vội nói: “Không dám! Tiểu sinh có mạo phạm phu nhân ở chỗ nào đâu?” Vương phu nhân hầm hầm nói: “Người nghe ai sai khiến đến đây nói hươu nói vượn để nhục mạ ta? Ai bảo mi đàn bà học võ công là mất vẻ mỹ miều? Nhuần nhã ôn nhu thì đã hơn ai?” Đoàn Dự chưng hửng, vội nói: “Vãn sinh nói đây chỉ là theo lẽ thông thường. Thiếu gì nữ nhân giỏi võ mà vẫn kiều diễm đoan trang?” Không ngờ câu nói này lại làm chối tai Vương phu nhân hơn. Bà hỏi vặn: “Ta có đoan trang hay không?” Đoàn Dự đáp: “Đoan trang hay không thì phu nhân tự biết, vãn sinh đâu dám nói càn. Đại khái những việc như bắt người ta giết vợ cả để cưới vợ bé, người đoan trang không làm.” Chàng nổi cơn bực tức nên mấy câu sau không kiêng nể gì nữa.

Vương phu nhân vỗ tay một cái, bốn ả thị nữ vội chạy lên lầu, đứng thõng tay chờ lệnh. Vương phu nhân nói:”Giải tên này đi tưới hoa!” Bọn thị nữ khom lưng tuân lệnh. Phu nhân quay lại bảo Đoàn Dự: “Ngươi ở nước Đại Lý, lại là họ Đoàn, hai lần đáng chết. Nhưng ta hãy tạm để tội chết lại, phạt người chăm bón cho hoa trà trong trang, nhất là bốn chậu bạch trà mới lấy về lại càng phải trông nom cẩn thận. Ta bảo cho ngươi biết trước, bốn khóm đó mà người để chết một khóm sẽ bị chặt một tay, chết hai khóm sẽ bị chặt hai tay, chết hết bốn khóm thì chân tay người cụt hết.” Đoàn Dự hỏi lại: “Thế cả bốn khóm đều sống thì sao?” Vương phu nhân đáp: “Nếu bốn khóm trồng được tươi tốt cả thì ngươi phải kiếm những giai phẩm như Thập Bát Học Sĩ, Thập Tam Thái Bảo, Bát Tiên Quá Hải, Thất Tiên Nữ, Phong Trần Tam Hiệp, Nhị Kiều trồng mỗi thứ mấy cây, không xong thì ta móc mắt người ra.”

Đoàn Dự lớn tiếng cãi: “Những danh chủng đó, ngay ở Đại Lý đã khó kiếm rồi, ở Giang Nam dễ gì mà có? Nếu mỗi loại trồng được tới vài ba cây thì còn gì là quý hiếm? Thôi bà giết quách ta đi còn hơn. Hôm nay chặt tay, ngày mai mốc mắt, ta chịu sao nổi?” Vương phu nhân quát mắng: “Tên này gớm thật, trước mặt ta mà dám buông lời càn rỡ! Chúng bay lôi cổ nó đi!”.

Bốn ả thị nữ liền xông tới, hai ả nắm hai tay, một ả kéo đằng trước, một ả đẩy đằng sau, năm người co kéo nhau xuống lầu. Bốn đứa tớ gái đó đều biết võ công, Đoàn Dự không thể kháng cự lại được, trong bụng chỉ biết kêu thầm: “Ngược ngạo thật! Ngược ngạo thật!”

Bốn đứa tì nữ vừa kéo vừa đẩy đưa chàng đến một vườn hoa. Một ả đưa cho chàng cái xẻng xới đất, một ả lấy cho chàng cái bình tưới rồi bảo: “Ngươi đã nghe rõ lời phu nhân dặn bảo. Thôi chịu khó ở đây trồng cây tưới hoa để bảo toàn sinh mạng. Bằng như ngang bướng cãi lại lệnh phu nhân, bọn ta lập tức đem đi chôn sống, xem ngươi làm được trò gì?” Một ả nữa nói: “Ngươi chỉ được ở đây trồng tỉa sơn trà, không được đi lung tung trong trang viên, nếu người vào chỗ cấm địa là tự tìm cái chết, chẳng ai cứu được đâu.” Bốn ả thị nữ dặn dò cẩn thận rồi mới bỏ đi. Đoàn Dự đứng thừ người ra, thật là khóc dở mếu dở.

Tại nước Đại Lý chàng ở vào địa vị thế tử, phụ thân chàng là Trấn Nam vương, một ngày kia sẽ lên kế vị Bảo Định Đế, thì chàng nghiễm nhiên trở thành hoàng thái tử, có ngờ đâu bị bắt đem xuống Giang Nam, người định đốt định giết, kẻ đòi chặt chân móc mắt, rồi bây giờ lại bị bắt ép trồng cây tưới hoa. Tuy nhiên tính tình chàng vốn bình dị hiền hòa, lúc ở Đại Lý tại hoàng cung cũng như ở vương phủ vẫn thường hay ra xem bọn thợ trồng hoa cắt lá tỉa cành, cuốc đất bón phân, cười cười nói nói, mặc dầu trong bụng một kẻ con vua cháu chúa vẫn chỉ coi họ như kẻ ăn người ở, vị trí thấp kém.

Cũng may trời sinh chàng sảng khoái vui vẻ, gặp phải nghịch cảnh trớ trêu, cũng chỉ âu sầu một lúc rồi lại cao hứng như thường, trong bụng nghĩ thầm: “Lúc ta vào thạch động núi Vô Lượng đã từng bái thần tiên tỉ tỉ làm thầy. Nay Vương phu nhân tướng mạo giống thần tiên tỉ tỉ, bất quá nhiều tuổi hơn mà thôi, ta coi bà ấy cũng như sư bá thì có gì mà không được? Sư trưởng đã ra mệnh lệnh, đạo làm đệ tử phải xuất lực vì thầy phỏng có chi quá đáng? Huống chi chăm bón hoa cỏ vốn là việc thanh nhã của kẻ văn nhân, so với bọn học võ múa đao động kiếm còn cao nhã hơn nhiều. Còn như so sánh với việc bị Cưu Ma Trí đem đến trước mồ Mộ Dung tiên sinh thiêu sống thì thế này sướng gấp nghìn gấp vạn. Chỉ đáng tiếc một điều là các loại hoa trà kém cỏi này mà phải đến vương tử nước Đại Lý tự tay trồng tỉa kể cũng hơi phí, không khỏi đại tài tiểu dụng, giết gà dùng dao mổ trâu. Ha ha! Ngươi là dao mổ trâu ư?”

Chàng nghĩ tiếp: “Mình ở lại Mạn Đà Sơn Trang thêm một thời gian, biết đâu chẳng có cơ duyên gặp lại thiếu nữ mặc áo màu cánh sen kia một lần, cái đó gọi là họa trung hữu phúc.”

Nghĩ đến họa phúc, chàng bèn nhổ một nắm cỏ trong bụng khấn thầm: “Để bói xem chừng nào ta mới gặp được vị cô nương kia”. Chàng cầm nắm cỏ tay phải trao qua tay trái, tay trái trao qua tay phải để bói, được quẻ Cấn trên Cấn dưới tức là thuần Cấn, nghĩ thầm: Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình, bất kiến kỳ nhân, vô cữu. (Ngừng ở lưng không thấy được thân, đi ở sân không thấy có người, không lỗi). Quẻ này thật linh quá, tuy thấy lưng chưa thấy mặt nhưng cũng không sao.” Chàng lại bói thêm một quẻ nữa, được quẻ Đoài trên Khảm dưới, tức là quẻ Khốn, trong bụng kêu thầm: “Khốn vu châu mộc, nhập vu u cốc, tam tuế bất địch” (Khốn nơi cây cối, lạc vào hang tối, ba năm chẳng gặp). Ba năm mà không gặp được thì đúng là khốn khổ rồi.” Chàng chợt nghĩ lại: “Ba năm không gặp thì năm thứ tư ắt sẽ gặp. Ngày rộng tháng dài thì có gì gọi là khốn đâu?”.

Chàng xủ quẻ thấy không được tốt nên không dám bói thêm, miệng ư ử hát, vác xẻng đi lang thang nghĩ thầm: “Vương phu nhân giao cho ta cái trọng trách phải trồng cho sống bốn chậu bạch trà này. Trà này cũng vào hạng có tên tuổi rồi đây, phải tìm cho ra chỗ nào u nhã mà trồng, không thì hỏng bét.” Chàng vừa đi vừa nhìn quanh quất chung quanh để tìm nơi thích hợp, đột nhiên cười ra tiếng, nghĩ thầm: “Vương phu nhân kể ra cũng kỳ, chẳng hiểu gì về sơn trà mà lại ưa trà hoa, chỗ nào cũng trồng trà, rồi lại đặt tên cho trang trại của mình là Mạn Đà Sơn Trang, nghe có vẻ hay ho lắm. Bà có biết đâu hoa trà ưa khí âm chứ không hợp với khí dương, trồng nơi nhiều nắng nếu không chết thì cũng chột, lại không được bón phân nhiều. Bao nhiêu thứ trà quý để phu nhân làm hỏng hết, tiếc quá, tiếc quá!”.

Chàng tránh những lối nắng chang chang, đi sâu vào những nơi rậm rạp âm u, vòng qua một ngọn núi nhỏ bỗng nghe tiếng suối khe róc rách, bên trái là một hàng trúc xanh rì, bốn bề tịch mịch. Nơi đây là bóng núi, ánh mặt trời không rọi đến, Vương phu nhân cho rằng không thể trồng hoa được, thành thử không thấy một gốc trà nào. Đoàn Dự cả mừng lẩm bẩm: “Chỗ này trồng trà tuyệt diệu”.

Chàng quay lại chỗ cũ khuân bốn chậu hoa trà đến rồi khoét lỗ bên cạnh khóm trúc, ghè vỡ chậu sành xong đặt cả bầu xuống. Tuy chàng chưa từng làm vườn bao giờ nhưng xem đã nhiều, cứ người ta làm sao mình làm vậy. Chưa tới nửa giờ, chàng đã trồng xong bốn cây bạch trà ngay cạnh rặng trúc, bên trái là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm, bên phải là Hồng Trang Tố Lý và Mãn Nguyệt, còn Nhãn Nhi Mị thì trồng chênh chếch mé sau khối đá lớn bên bờ suối. Chàng tự nói với mình: “Thế này đúng là: Mời mọc mãi, thấy người bỡ ngỡ, Tay ôm đàn che nửa mặt hoa. (Thiên hô bạn hoàn thủy xuất Lai, Do bão tì bà bán già diện). Phải chỗ nửa kín nửa hở thế này thì mới hợp cảnh mà tăng thêm vẻ đẹp.” Người Trung Quốc thường đem hoa ví với mỹ nhân, phép trồng hoa cũng chẳng khác gì săn sóc người đẹp. Đoàn Dự xuất thân tại chốn hoàng cung, đọc thi thư từ thuở nhỏ, cách thức trồng hoa cũng có hơn người.

Xong việc chàng xuống suối rửa sạch chân tay, ngồi sau phiến đá lớn ngắm nghía khóm Nhãn Nhi Mị, nhìn thẳng, nhìn nghiêng lấy làm khoái chí. Bỗng nghe có tiếng chân bước sột soạt, hai thiếu nữ đi tới, một cô nói: “Chỗ này tịch mịch, không có ai qua lại…”

Giọng nói đó vào tai, Đoàn Dự tim nhảy thốt lên một cái, rõ ràng là giọng của vị nữ lang mặc áo lụa màu cánh sen chàng đã gặp. Chàng vội nín thở không dám để phát ra chút âm thanh nào, nghĩ bụng: “Nàng đã bảo không nhìn mặt chàng trai nào không có liên quan gì tới nàng. Ta nào có liên hệ gì đâu, chỉ cần nghe mấy tiếng du dương như tiên nhạc cũng đã phúc lắm rồi. Nhất quyết ta đừng để nàng hay biết.” Đầu chàng vốn dĩ nghiêng nghiêng ngó ra, lúc này không dám quay lại, dường như sợ mình chuyển động thì cổ sẽ có thể phát xuất âm thanh kinh động đến mỹ nhân.

Lại nghe thiếu nữ nói tiếp: “Tiểu Mính, người nghe thấy chuyện gì… chuyện gì về chàng thế?” Đoàn Dự nghe hỏi bất giác chua xót trong lòng, biết rằng tiếng “chàng” mà nữ làng gọi đó là chỉ Mộ Dung công tử, chắc là Mộ Dung Phục mà Vương phu nhân nói tới. Giọng nữ lang vặn hỏi thị tỳ nghe đầy vẻ thiết tha mong nhớ. Đoàn Dự không khỏi vừa ngưỡng mộ lại vừa tự thương thân. Chỉ thấy Tiểu Mính ấp úng hồi lâu, dường như sợ không dám nói thẳng.

Nữ lang giục: “Ngươi cứ nói cho ta nghe! Ta không quên lòng tốt của ngươi đâu!” Tiểu Mính ngần ngừ đáp: “Tiểu tì sợ… chỉ sợ phu nhân trách phạt.” Nữ lang tức mình nói: “Ngươi đúng là ngốc nghếch. Ngươi cứ nói cho ta hay, ta không kể với phu nhân đâu.” Tiểu Mính nói: “Nếu như phu nhân hỏi tiểu thư thì sao?” Thiếu nữ đáp: “Dĩ nhiên là ta sẽ không nói.”

Tiểu Mính lại ngập ngừng một hồi mới nói: “Biểu thiếu gia đi lên chùa Thiếu Lâm.” Thiếu nữ ngạc nhiên: “Lên chùa Thiếu Lâm ư? Thế sao A Châu, A Bích hai đứa kia lại nói chàng đến Cái Bang ở Lạc Dương?” Đoàn Dự nghĩ thầm: “Sao lại biểu thiếu gia nhỉ? Ồ, thì ra Mộ Dung công tử là anh họ của nàng, hai người thân thiết từ nhỏ, có tình thanh mai trúc mã, thành thử… thành thử…”.

Tiểu Mính nói: “Hôm vừa rồi, phu nhân giữa đường gặp Công Dã nhị gia, hỏi ra mới biết bọn đầu não Cái Bang đều đến Hà Nam cả, định gặp biểu thiếu gia để hỏi cái chi chi đó, Công Dã nhị gia lại nói là có nhận được thư của biểu thiếu gia nói khi đến Lạc Dương kiếm không ra tên thủ lãnh ăn mày nào, nên đã lên Tung Sơn Thiếu Lâm Tự rồi.” Nữ lang hỏi: “Chàng lên chùa Thiếu Lâm để làm chi?” Tiểu Mính đáp: “Công Dã nhị gia kể rằng biểu thiếu gia có viết khi ở Lạc Dương nghe tin một lão hòa thượng chùa Thiếu Lâm chết ở Đại Lý, họ lại đổ oan cho Cô Tô Mộ Dung giết. Biểu thiếu gia giận lắm, chùa Thiếu Lâm lại không xa Lạc Dương bao nhiêu nên tiện đường đi lên trình bày với các hòa thượng trong chùa cho tỏ tường mọi việc.”

Cô gái lại nói: “Nếu như nói không tỏ tường thì không lẽ động thủ hay sao? Phu nhân đã được tin như vậy sao lại quay về, không đi giúp biểu thiếu gia một tay?” Tiểu Mính nói: “Cái đó… cái đó… tiện tì cũng không hiểu. Dường như phu nhân không ưa biểu thiếu gia.” Thiếu nữ hậm hực nói: “Hừ! Ưa hay không ưa thì thiếu gia cũng là người trong nhà. Để nhà Mộ Dung mất mặt với người ngoài thì nhà họ Vương này lại vẻ vang lắm hay sao?” Tiểu Mính không dám tiếp lời.

Thiếu nữ đi qua đi lại bên rặng trúc, bỗng thấy ba khóm bạch trà Đoàn Dự mới trồng, mảnh chậu đập ra còn bỏ đó, thất thanh kêu lên một tiếng hỏi: “Ai trồng trà ở đây thế này?” Đoàn Dự không còn cách nào tránh mặt, từ sau tảng đá bước ra vái dài sát đất nói: “Tiểu sinh vâng mệnh phu nhân đang trồng trà tại đây, không ngờ lại gặp tiểu thư.” Chàng tuy cung kính vái dài nhưng mắt vẫn nhìn lên, sợ rằng tiểu thư sẽ buông một câu: “Ta không thích gặp đàn ông lạ” rồi quay mình đi mất, lỡ mất cơ hội thấy mặt nàng.

Đoàn Dự vừa nhìn thấy mặt nữ lang bông tai ù mắt hoa, hai đầu gối nhũn ra không tự chủ được quỳ mọp xuống đất, nếu không cố gượng thì đến cái đầu cũng đập xuống đất mà lạy. Miệng chàng lắp bắp: “Thần tiên tỉ tỉ! Ta… ta nhớ tỉ tỉ kể sao cho xiết! Đệ tử Đoàn Dự bái kiến sư phụ.”

Nguyên tướng mạo nữ lang này giống hệt pho tượng ngọc trong thạch động bên nước Đại Lý, Vương phu nhân cũng đã giống pho tượng này nhưng cao tuổi hơn lại không đẹp bằng, còn nữ lang có khác là chỉ ở bộ áo mặc ngoài mà thôi. Từ mặt mũi, tai mắt, mồm miệng cho chí tầm vóc, chân tay cùng màu da không chỗ nào không giống, thực là pho tượng ngọc tái sinh. Đoàn Dự như người đang lạc vào cõi mộng. Chàng đã trải không biết bao nhiêu nghìn vạn lần tưởng nhớ người ngọc, lúc này thấy ngay trước mắt, không còn biết mình đang ở trần gian hay thượng giới. Nữ lang thấy cử động cùng cách xưng hô của Đoàn Dự cho là chàng mắc bệnh điên cuồng, kêu lên một tiếng, lùi lại hai bước, sợ hãi nói: “Ngươi… ngươi…”

Đoàn Dự đứng thẳng lên, mắt như dán chặt vào cô gái, lúc này nhìn càng rõ hơn. Bấy giờ chàng mới biết, thiếu nữ so với pho tượng ngọc cũng có đôi phần khác biệt: pho tượng diễm lệ theo kiểu thu hồn nhiếp phách người ta, còn cô gái trước mặt đây có vẻ đoan trang xen lẫn nét thơ ngây, Chàng bèn nói: “Từ ngày được bái kiến thần tiên tỉ tỉ trong thạch động, tiểu sinh đã mừng cho mình phúc duyên rất lớn, ngờ đâu hôm nay lại được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan. Thế gian quả có tiên thật, không phải là chuyện hoang đường”

Thiếu nữ quay sang nói với Tiểu Mính: “Gã nói chi đó? Gã là ai vậy?” Tiểu Mính đáp: “Gã là một anh đồ gàn đến với A Châu, A Bích. Gã nói nhăng nói cuội thế nào mà phu nhân tin gã biết trồng hoa trà mới nực cười.” Nữ lang quay ra hỏi Đoàn Dự: “Anh đồ gàn kia, hồi nãy bọn ta nói chuyện với nhau, người có nghe thấy không?” Đoàn Dự cười đáp: “Tiểu sinh họ Đoàn, tên Dự, người Đại Lý, không phải là đồ gàn đâu. Thần tiên tỉ tỉ và Tiểu Mính tỉ tỉ đây nói chuyện, vô tình tiểu sinh đã nghe rõ cả. Thế nhưng hai vị cứ yên tâm, tiểu sinh nhất định không tiết lộ một câu nửa chữ, bảo đảm không để Tiểu Mính tỉ tỉ bị phu nhân trách phạt.”

Nữ lang sa sầm nét mặt hỏi: “Ngươi xưng hô tỉ tỉ muội muội lăng nhăng như vậy còn cãi không phải đồ gàn. Ngươi đã gặp ta bao giờ?” Đoàn Dự hỏi lại: “Nếu như tiểu sinh không gọi là thần tiên tỉ tỉ thì gọi thế nào cho phải?” Nữ lang đáp: “Ta họ Vương, ngươi cứ gọi ta bằng Vương cô nương là được rồi.” Đoàn Dự lắc đầu quầy quậy nói: “Không được! Không được! Khắp thiên hạ kể có hàng ngàn hàng vạn cô nương họ Vương, bậc thần tiên mà cũng chỉ gọi bằng Vương cô nương như người thường thế nào được? Thế thì phải gọi là gì nhỉ? Thật khó quá! Gọi vắn tắt là Vương tiên tử chăng? Xem ra có vẻ quê mùa! Hay là Mạn Đà công chúa? Đại Tống, Đại Lý, Liêu Quốc, Thổ Phồn, Tây Hạ nước nào chẳng có công chúa nhưng bì với cô nương thế nào được?”

Nữ lang nghe Đoàn Dự nói tràng giang đại hải, càng nghe càng thấy gàn dở. Có điều nghe người ta thần hồn điên đảo ca tụng sắc đẹp mình thì ai mà không thấy sung sướng? Nàng mỉm cười nói: “Ngươi cũng còn may là chưa bị mẫu thân ta chặt chân.” Đoàn Dự đáp: “Thần tiên tỉ tỉ cùng lệnh đường phu nhân tướng mạo giống nhau nhưng tính tình thực khác xa nhau. Phu nhân động một tý là giết người, có điều không xứng với dáng dấp thần tiên…”

Nữ lang nhíu mày ngắt lời: “Thôi ngươi tiếp tục trồng hoa đi, đừng đứng đây bẻn mép nữa. Bọn ta có việc phải bàn.” Lối nói của nàng quả xem Đoàn Dự như một tên thợ trồng hoa không hơn không kém.

Đoàn Dự vẫn chẳng chịu thôi, chỉ mong được nghe nàng nói câu nào hay câu ấy, nhìn phút nào hay phút ấy. Chàng nghĩ bụng: “Muốn cho nàng bắt chuyện thì không gì bằng việc đề cập đến Mộ Dung công tử. Bụng dạ nàng để cả vào gã, ngoài ra không thiết gì hết”. Chàng bèn nói: “Thiếu Lâm Tự là Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm, trong chùa cao tăng hảo thủ không một nghìn thì cũng tám trăm, phần lớn đều tinh thông bảy mươi hai tuyệt kỹ. Lần này Huyền Bi đại sư của phái Thiếu Lâm bị người ta hạ độc thủ giết chết ở chùa Thân Giới, châu Lục Lương, nước Đại Lý, các hòa thượng cho rằng do tay Cô Tô Mộ Dung. Mộ Dung công tử cô thân vào nơi hiểm địa, thật là đáng lo ngại.”

Quả nhiên nữ lang giật mình. Đoàn Dự không dám nhìn thẳng vào mặt nàng, trong bụng nghĩ thầm: “Nàng vì cái tên tiểu tử Mộ Dung Phục mà phải băn khoăn trong dạ. Nếu như nhìn vào mặt nàng, không chừng ta ghen tức đến chảy nước mắt mất”. Tà áo màu cánh sen của nàng hơi lay động, rồi giọng nói thánh thót như tiếng tiêu lại hỏi: “Tại sao các hòa thượng chùa Thiếu Lâm lại đổ oan cho Cô Tô Mộ Dung? Ngươi có biết không? Ngươi… ngươi cho ta biết.”

Đoàn Dự nghe nàng nhỏ nhẹ cầu khẩn, cầm lòng không đậu muốn đem hết những điều mình hay biết nói cho nàng nghe. Song chàng nghĩ lại: “Mình biết chẳng có bao nhiêu, Huyền Bi đại sư bị trúng phải Vi Đà Chử mà chết, ai ai cũng bảo đó là thuật gậy ông đập lưng ông, trong thiên hạ chỉ có họ Mộ Dung ở Cô Tô là sở trường. Bao nhiêu tình tiết đó chỉ vài câu là hết, nàng nghe xong rồi lại giục mình đi trồng trà, kiếm được đề tài khác nói chuyện với nàng thật không phải dễ. Chi bằng mình phải tìm cách kéo dài câu chuyện, mỗi ngày cho ra một mẩu để ngày ngày nàng phải đến tìm mình hỏi chuyện, tìm không thấy là bồn chồn khó chịu”. Chàng đằng hắng một tiếng rồi bắt đầu vào chuyện: “Về võ công tôi chẳng biết tí gì cả. Cả những thế võ tầm thường như Kim Kê Độc Lập, Hắc Hổ Thâu Tâm gì gì đi nữa tôi cũng không hay, nhưng trong nhà tôi có anh bạn họ Chu, tên gọi Chu Đan Thần, ngoại hiệu là Bút Nghiễn Sinh. Trông bề ngoài anh ta cũng chỉ văn nhược nho nhã như tôi thôi, hay gọi là tín đồ gàn cũng được. Hà hà, thế mà võ công anh ta đáo để lắm. Một hôm nọ tôi thấy anh ta gấp cái quạt quay ngược đầu lại đánh “chát” một tiếng, cán quạt trúng vào bả vai một gã đại hán, gã này có rúm ngay lại, chẳng khác gì một đống đất lù lù, không sao nhúc nhích được nữa.”

Nữ lang nói: “Ồ, đó là chiêu đả huyệt thứ ba mươi tám trong Thanh Lương Phiến, tên là Thấu Cốt Phiến, đảo ngược cán quạt đánh xéo vào huyệt Kiên Trinh. Vậy thì vị Chu tiên sinh đó thuộc bàng chi của phái Côn Lôn, đệ tử Tam Nhân Quan. Võ công phái này dùng phán quan bút còn lợi hại hơn dùng quạt. Ngươi nói vào chuyện chính đi, đừng nói chuyện võ công với ta nữa.

Giả tỷ mà Chu Đan Thần được nghe nàng nói tất phải phục sát đất. Thiếu nữ không những nói được tên thủ pháp y dùng, lại cả sư thừa lai lịch, võ học gia số cũng kể đâu ra đấy. Nếu một nhà võ học danh gia như bá phụ Đoàn Dự là Đoàn Chính Minh hay phụ thân là Đoàn Chính Thuần chẳng hạn nghe thấy, cũng phải giật mình tự hỏi: “Cô nương nhỏ tuổi thế này mà sao kiến thức về võ học đã uyên bác đến thế?” Thế nhưng Đoàn Dự chẳng biết tí võ công nào, mấy lời cô gái kia thuận mồm nói ra chỉ thoáng qua tai chàng mà thôi. Chàng cũng không cần biết cô gái nói đúng hay sai, chỉ dán mắt vào đôi mày tha thướt cùng đôi môi đỏ thắm của nàng chứ không để ý gì đến võ nghệ.

Nữ lang hỏi: “Vị Chu tiên sinh đó là người thế nào?” Đoàn Dự chỉ vào một phiến đá bên cạnh bụi trúc, nói: “Chuyện dài lắm, xin tiểu thư dời gót ngọc ngồi xuống kia để tiểu sinh từ từ nói rõ.” Nữ lang nói: “Ngươi cứ ba hoa chích chòe mãi, nói mau đi cho xong. Ta chẳng có hơi đâu mà ngồi nghe ngươi mãi.” Đoàn Dự đáp: “Hôm nay tiểu thư không rảnh thì sáng mai lại đây tìm tôi cũng được. Còn như ngày mai cũng bận, để vài ngày nữa cũng không sao. Miễn là phu nhân chưa cắt lưỡi tôi, tiểu thư hỏi đâu tôi xin nói đấy, nói hết không sốt mảy may.”

Nữ lang khẽ dậm chân một cái, quay đầu đi không nhìn đến chàng nữa, hỏi Tiểu Mính: “Phu nhân có nói gì nữa không?” Tiểu Mính đáp: “Phu nhân nói: Tên ngỗ nghịch kia càng lúc càng loạn, đã gây thù chuốc oán với Cái Bang, lại đối đầu với cả chùa Thiếu Lâm, chỉ sợ rồi đây Cô Tô Mộ Dung nhà ngươi chết không có đất mà chôn.” Nữ lang vội nói: “Mẹ ta biết rõ biểu thiếu gia đang rơi vào cảnh ngộ hung hiểm, sao lại làm lơ không hỏi tới là sao?” Tiểu Mính đáp: “Dạ phải. Tiểu thư, chỉ sợ phu nhân cho kiếm, tiểu tì xin kiếu thôi. Chuyện mới rồi, xin tiểu thư chớ nói với ai thì tì tử mới còn được hầu hạ tiểu thư vài năm nữa.”

Nữ lang nói: “Ngươi cứ yên tâm đừng lo, chẳng lẽ ta lại hại ngươi hay sao?” Tiểu Mính cáo biệt ra đi, trên mặt lộ vẻ khiếp sợ, Đoàn Dự nghĩ thầm: “Vương phu nhân giết người như ngóe nên ai ai cũng kinh hãi.”.

Nữ lang từ từ bước lại phiến đá nhẹ nhàng ngồi xuống. Nàng không mời Đoàn Dự mà chàng cũng không dám mạo muội đến gần. Chàng đứng nhìn thấy gần chỗ nàng ngồi có một khóm bạch trà, còn hai khỏm nữa xa hơn một chút. Người đẹp ngồi gần danh hoa, phong cảnh lại càng tuyệt mỹ. Đoàn Dự thở dài một tiếng rồi đọc: “Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan… Không được, không được! Năm xưa Lý Thái Bạch lấy hoa mẫu đơn để so sánh với sắc đẹp của Dương Quý Phi, nếu như ông ta có diễm phúc được gặp tiểu thư thì mới biết rằng hoa kia tuy có rực rỡ nhưng làm sao biết giận hờn, biết nũng nịu, biết cười đùa, biết ưu tư, thực không thể nào bì kịp.”

Thiếu nữ buồn bã nói: “Ngươi không ngớt khen ta đẹp, chẳng biết có thật không?” Đoàn Dự sửng sốt la lên: “Trời ơi! Ai không thấy vẻ đẹp của Tử Đô đã là người không có mắt. Đó mới là một chàng trai mà người ta còn bình phẩm như vậy, huống chi người diễm lệ tuyệt trần như tiểu thư? Chắc là tiểu thư nghe nhiều người ca tụng quá rồi nên chán ngấy phải không?”

Nữ lang từ từ lắc đầu, khóe mắt hơi lộ vẻ bâng khuâng nói: “Trước nay ta chưa thấy ai nói ta đẹp hay không. Ở Mạn Đà Sơn Trang này trừ mẫu thân ta còn toàn kẻ hầu người hạ. Bọn chúng chỉ biết ta là tiểu thư của chúng, còn ai dám nói đến ta đẹp hay xấu?” Đoàn Dự hỏi lại: “Thế còn người ngoài cũng không ai nói gì sao?” Nữ lang hỏi: “Ngươi bảo người ngoài nào?” Đoàn Dự đáp: “Thế khi tiểu thư ra ngoài, người ta thấy tiểu thư đẹp như tiên giáng trần chẳng lẽ họ cũng im mồm sao? Nữ lang nói: “Ta chưa từng ra khỏi nhà, mà ra ngoài làm gì? Mẹ ta không cho ra ngoài. Ta chỉ sang Hoàn Thi Thủy Các bên nhà cữu mẫu đọc sách thôi, chẳng gặp ai là người ngoài cả. Bất quá chỉ có vài người bạn của biểu ca như Đặng đại ca, Công Dã nhị ca, Bao tam ca, Phong tứ ca, nhưng họ… nhưng họ đâu có gàn dở như anh.” Nàng nói tới độ bất giác mỉm cười.

Đoàn Dự hỏi: “Không lẽ Mộ Dung công tử… y cũng chẳng bàn đến vẻ đẹp của tiểu thư ư?” Nữ lang từ từ cúi đầu xuống, rồi một tiếng nấc rất êm nhẹ, như tiếng đàn sắt thoảng lọt vào tai chàng. Tiếp theo tiếng nấc là mấy giọt lệ rơi trên ngọn cỏ, trong trẻo lấp lánh, chẳng khác gì những giọt sương buổi sớm. Đoàn Dự thấy vậy không dám hỏi thêm, cũng không biết nói thế nào để an ủi nàng.

Hồi lâu nàng mới nghẹn ngào nói: “Chàng… chàng bận lắm, quanh năm không lúc nào nhàn rỗi. Họa hoằn chàng mới gặp ta, nếu không bàn luận võ công thì cũng nói chuyện quốc gia đại sự. Ta… ta chán võ công lắm rồi.” Đoàn Dự vỗ đùi reo lên: “Tiểu thư nói đúng lắm! Tôi cũng ngán ngẩm vô cùng. Chả thế mà bá phụ và gia gia tôi bắt tôi học võ, tôi nhất định không chịu rồi bỏ nhà trốn đi.”

Nữ lang thở dài nói: “Ta vì muốn thỉnh thoảng được gặp chàng nên dù có chán ngán võ công, cũng phải xem quyền kinh đao phố, cố gắng nhớ trong lòng, phòng khi có chỗ chàng chưa thấu đáo thì ta phải giảng cho chàng nghe. Thế nhưng chính ta thì lại không học, làm thân con gái mà múa đao đánh gậy, xem ra bất nhã.” Đoàn Dự khen một câu tự đáy lòng: “Đúng vậy! Đúng vậy! Người đẹp thiên hạ vô song như cô, lẽ nào lại cùng người ta động thủ động cước, thật chẳng đâu vào đâu. Ối chà…” Chàng đột nhiên nghĩ ra, câu nói đó xúc phạm tới mẹ ruột mình. Thiếu nữ không để ý đến chàng, nói tiếp: “Từ nghìn xưa đến nay bất luận triều đại nào, vua quan nào cũng toàn chuyện hôm nay giết người, ngày mai người giết, ta thật không muốn biết đến làm gì. Thế nhưng đó là những chuyện chàng ưa thích nhất, thành thử ta phải đọc sách để nói cho chàng nghe.”

Đoàn Dự rất lấy làm kỳ hỏi lại: “Sao tiểu thư lại phải xem sách hộ chàng? Tự chàng không đọc lấy được hay sao?” Nữ lang nguýt Đoàn Dự một cái rồi giận dỗi hỏi: “Thế ngươi tưởng chàng dốt chữ hay đui mù?” Đoàn Dự vội đáp: “Không, không đâu! Tôi bảo anh ta là người tốt nhất trên đời, thế có được không nào?”

Thiếu nữ mỉm cười nói: “Chàng là biểu huynh ta, chị của mẹ ta làm dâu trong nhà họ Mộ Dung. Trong trang này trừ cữu phụ, cữu mẫu và biểu huynh thì không còn ai lui tới. Về sau khi cữu phụ qua đời, cữu mẫu cùng mẫu thân xảy ra xích mích, từ đó cấm cửa luôn cả biểu huynh ta không cho đến nữa. Ta chẳng hiểu chàng có phải là người tốt nhất trần đời không, mà cũng chưa gặp người tốt người xấu bao giờ.” Đoàn Dự hỏi lại: “Thế sao tiểu thư không hỏi phụ thân?” Cô gái đáp: “Phụ thân ta mất sớm, từ lúc ta chưa ra đời. Ta.., ta không biết cả mặt phụ thân.”

Đoàn Dự ồ lên một tiếng: “Thế cữu mẫu tiểu thư là chị dâu của dì tiểu thư, còn cữu phụ là chồng của cữu mẫu chứ gì? Anh ta… anh ta… là con của hai người đó phải không?” Nữ lang bất giác phì cười đáp: “Ngươi ăn nói lẩn thẩn làm sao ấy. Ta là con gái mẫu thân ta thì chàng là biểu huynh ta chứ gì?” Đoàn Dự thấy mình làm cho nàng phải phì cười bèn lấy làm cao hứng nói: “À, tôi hiểu rồi. Chắc là biểu huynh tiểu thư bận quá, không có thì giờ đọc sách nên tiểu thư phải đọc giùm.” Nữ lang cười nói: “Kể ra nói thế cũng phải, nhưng ở trong còn có nguyên nhân khác. Thôi bây giờ ta hỏi ngươi: những hòa thượng chùa Thiếu Lâm vì cớ gì lại đổ oan cho biểu huynh ta giết người của họ?”

Đoàn Dự thấy trên đầu mi nàng còn đọng một hạt nước mắt, nghĩ thầm: “Người xưa có nói: Lê hoa nhất chi xuân đái vũ (cành hoa lê lóng lánh mưa xuân) để ví với người đẹp đang khóc. Hoa lê tuy đẹp thật nhưng cành lê lại xù xì, mà sau trận mưa đóa hoa nào cũng đẫm nước, có phải quá đau lòng không? Phải ví Vương cô nương giống như đóa hoa trà điểm thêm giọt sương buổi sáng, thế mới thật là đẹp”.

Nữ lang chờ hồi lâu thấy Đoàn Dự không đáp, bèn lay bàn tay chàng một cái nói: “Ngươi nghĩ gì vậy?” Đoàn Dự giật nẩy mình la lên: “Ôi chao!” Nữ lang cũng giật mình hỏi: “Sao thế?” Đoàn Dự đỏ bừng mặt đáp: “Tiểu thư đưa ngón tay chỉ lên lưng bàn tay tôi, tôi lại tưởng tiểu thư điểm huyệt.”

Nữ lang không biết là Đoàn Dự nói đùa, giường tròn đôi mắt nhìn chàng nói: “Trên lưng bàn tay làm gì có huyệt đạo? Dịch Môn, Trung Chữ, Dương Trì ba huyệt đều ở cườm tay, hai huyệt Tiền Khoát, Dưỡng Lão ở gần cổ tay lại càng xa hơn nữa.” Nàng vừa nói vừa đưa tay mình ra chỉ cho chàng xem. Đoàn Dự thấy ngón trỏ bên tay trái nàng tròn trĩnh như ngó hành, điếm trên mu bàn tay trắng nõn, bất giác cảm thấy cổ họng khô ráo, đầu óc quay cuồng, ấp úng hỏi: “Cô nương tên họ là gì?” Thiếu nữ mỉm cười đáp: “Ngươi quả là lạ lùng. Được rồi, ta cho ngươi biết tên cũng chẳng hại gì. Nếu ta không nói, A Châu, A Bích hai đứa a đầu kia cũng nói.” Đoạn nàng lấy ngón tay vạch lên lưng bàn tay mình ba chữ: Vương Ngữ Yên.

Đoàn Dự kêu lên: “Hay thật! Hay thật! Ngữ tiếu yên nhiên, hòa ái khả thân (nói cười duyên dáng, hòa nhã dễ thương).” Chàng nghĩ thầm: “Mình phải nói chặn trước chứ nếu như nàng giống tính mẹ, đang nói cười vui vẻ tự nhiên nổi nóng bắt mình đi trồng hoa thì tên với người chẳng ăn khớp nhau tí nào.” Vương Ngữ Yên mỉm cười: “Tên thì ai mà chẳng hay. Trong sử sách có biết bao nhiêu người đại gian đại ác, tên lại cực hay cực đẹp. Tỷ như Tào Tháo mà chẳng có tiết tháo chút nào, Chu Toàn Trung lại là một gã đại bất trung. Như ngươi tên là Đoàn Dự thì danh dự ngươi có lừng lẫy không? Hay lại chỉ là kẻ cô danh…” Đoàn Dự nói xen vào: “… điếu dự.” Cô danh điếu dự có nghĩa là cố tìm tiếng tăm bằng cách không chính đáng. Hai người cùng cười khanh khách.

Bộ mặt diễm lệ của Vương Ngữ Yên vốn dĩ nhuốm chút u sầu, bây giờ rạng rỡ lại càng tăng thêm vẻ xinh tươi. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Nếu như ta ngày ngày được làm cho nàng mở miệng tươi cười thì cuộc đời này cũng thỏa mãn lắm rồi, còn mong gì hơn nữa?”. Ngờ đâu cô gái chỉ cao hứng được giây lát rồi đôi mắt lại thoáng hiện nỗi sầu man mác. Nàng cất giọng u buồn nói: “Chàng… chàng lúc nào cũng nghiêm trang, chẳng bao giờ chàng nói với ta một câu chuyện bâng quơ. Ôi! Yên quốc, Yên quốc quan trọng đến thế hay sao?”

Mấy chữ Yên quốc vừa lọt vào tai, Đoàn Dự vụt nảy ra một ý nghĩ, bao nhiêu điều rời rạc chợt liền lại thành một chuỗi: nào là họ Mộ Dung, Yến Tử Ổ, Tham Hợp Trang, Yên quốc… Chàng liền buột miệng hỏi: “Phải chăng công tử Mộ Dung vốn dòng họ Tiên Ti thời loạn Ngũ Hồ chứ không phải người Trung Quốc?” Vương Ngữ Yên gật đầu: “Đúng vậy, chàng là vương tôn họ Mộ Dung nước Yên nhưng đã mấy trăm năm rồi, sao còn giữ quan niệm cũ kỹ của ông cha làm chi nữa? Chàng không muốn làm người Trung Quốc, đến chữ Trung Quốc cũng không thèm học, sách Trung Quốc cũng không thèm đọc. Sách Trung Quốc có gì là không hay đâu? Có lần ta bảo chàng đọc sách chữ Tiên Ti cho nghe, chàng lại nổi giận đùng đùng. Hóa ra người Tiên Ti không có sách vở gì cả.”.

Nàng từ từ ngẩng đầu lên, nhìn mây trắng lơ lửng xa xa, nhỏ nhẹ nói: “Chàng… chàng lớn hơn ta mười tuổi, chỉ coi ta như một cô em gái nhỏ. Ngoài việc đọc sách, ghi nhớ võ công ra ta chẳng biết việc gì nữa. Chàng có hiểu đâu rằng ta đọc sách là đọc cho chàng, nhớ võ công cũng vì chàng. Nếu không thà ta nuôi mấy con gà nhỏ cho nó nhảy nhót, hoặc gảy đàn viết chữ mà chơi còn thú hơn.”

Đoàn Dự cất tiếng run run hỏi: “Tiểu thư tận tâm như vậy… mà chàng không biết ư?” Vương Ngữ Yên đáp: “Ta tận tâm với chàng, chàng biết chứ. Chàng cũng rất tốt với ta, có điều,.. có điều… đối với nhau chỉ như anh em ruột, ngoài những chuyện nghiêm trang ra không bao giờ nói chuyện gì khác. Chàng chẳng bao giờ thổ lộ tâm tư, cũng chẳng bao giờ hỏi đến tâm sự của ta.” Nói tới đây, đôi má Vương Ngữ Yên ửng đỏ ra chiều e lệ, trong ánh mắt dường như có vẻ thẹn thùng.

Đoàn Dự toan cất lời hỏi đùa nàng: “Thế tiểu thư có tâm sự gì nào?” nhưng thấy nàng bẽn lẽn nên không dám đường đột, liền chuyển hướng: “Chẳng lẽ tiểu thư chỉ nói chuyện về võ học với anh ta, không nói tới những khúc thơ văn lãng mạn như Tí Dạ Ca hay Hội Chân Ký hay sao?” Câu nói vừa ra khỏi cửa miệng, chàng lại hối hận trong lòng: “Cứ để nàng thầm yêu trộm nhớ, tới đâu hay đó chẳng hơn sao? Lẽ nào ta lại về đường cho hươu chạy, đúng là một thằng ngốc”. Vương Ngữ Yên cả thẹn vội gạt đi: “Sao lại thế được? Ta phải giữ nền nếp con nhà khuê các, lẽ nào nói tới những chuyện thơ văn đó để biểu huynh khinh thường mình sao?” Đoàn Dự thở phào nói: “Vâng, như thế mới phải!”. Trong bụng tự trách thầm mình: “Đoàn Dự ơi, ngươi thật chẳng chính nhân quân tử chút nào”.

Tâm sự Vương Ngữ Yên đã lâu chôn tận đáy lòng chưa từng nói với ai, chỉ một mình mình biết một mình mình hay. Nay gặp Đoàn Dự là người dễ tính phóng lãng, không hiểu sao nàng lại tin chàng đến thế, đem hết chuyện tâm tình ra thổ lộ. Thực ra chuyện nàng thầm yêu Mộ Dung biểu huynh thì A Châu, A Bích cùng lũ a hoàn Tiểu Trà, Tiểu Mính, U Thảo đều biết hết, có điều không dám nói ra mà thôi. Vương Ngữ Yên sau khi dốc bầu tâm sự, trong lòng cảm thấy hơi nhẹ nhõm bèn nói tiếp: “Ta nói với ngươi toàn chuyện vớ vẩn, chưa vào chính đề. Tại chùa Thiếu Lâm hiện có những ai tụ họp? Sao bọn họ lại muốn làm khó biểu huynh ta?”

Đoàn Dự thấy không nói năng cù nhầy thêm được nữa đành kể: “Phương trượng chùa Thiếu Lâm là Huyền Từ đại sư có một vị sư đệ là Huyền Bi đại sư, sở trường về Vi Đà Chử.” Vương Ngữ Yên gật đầu: “Đó là môn thứ bốn mươi tám trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm, tất cả có mười chín chiêu chử pháp, khi thi triển cực kỳ hung mãnh.” Đoàn Dự nói tiếp: “Huyền Bi đại sư đi đến Đại Lý chúng tôi, tại chùa Thân Giới ở Lục Lương Châu không biết vì sao bị người đánh chết, mà kẻ địch lại hạ thủ bằng chính cái môn Vi Đà Chử sở trường của ông ta. Họ cho rằng cái lối giết người đó chỉ có nhà Mộ Dung làm được, gọi là gậy ông đập lưng ông.” Vương Ngữ Yên gật đầu: “Ngươi nói rất có lý.”

Đoàn Dự nói tiếp: “Ngoài phái Thiếu Lâm ra cũng còn nhiều người khác muốn tìm họ Mộ Dung báo thù.” Vương Ngữ Yên hỏi: “Còn những ai nữa?” Đoàn Dự đáp: “Phái Phục Ngưu có một người tên là Kha Bách Tuế, môn võ công tuyệt nghệ của ông ta là Thiên Linh Thiên Liệt.” Vương Ngữ Yên nói: “Hừ, phái Phục Ngưu có hai mươi chín chiêu Bách Thắng Nhuyễn Tiên, đó là chiêu thứ tư biến ra, tuy lối đánh kỳ dị nhưng không được liệt vào hạng võ học thượng thừa, chỉ được cái lực đạo cực kỳ cương mãnh thôi.” Đoàn Dự nói: “Kha Bách Tuế chết về thế Thiên Linh Thiên Liệt, thành ra sư đệ và đồ đệ ông ta đang kiếm nhà Mộ Dung để trả thù.”.

Vương Ngữ Yên trầm ngâm rồi đáp: “Kha Bách Tuế rất có thể do biểu huynh ta giết, còn Huyền Bi đại sư thì không phải đâu. Biểu huynh ta không biết sử dụng Vi Đà Chử, môn võ công đó luyện rất khó. Thế nhưng nếu ngươi có gặp biểu huynh ta thì đừng nói là anh ấy không biết môn này, cũng đừng nói là ta bảo thế, anh ấy mà nghe được thì giận lắm đó…” Nói tới đây bỗng có hai ả nha hoàn Tiểu Mính và U Thảo chạy đến.

U Thảo mặt sợ tái xanh, lắp bắp nói: “Tiểu thư ơi! nguy… nguy đến nơi rồi. Phu nhân hạ lệnh đem hai chị A Châu, A Bích…” U Thảo như bị nghẹn họng không sao thốt ra lời nữa. Tiểu Mính phải nói tiếp: “Đem hai chị ấy ra chặt cánh tay phải, phạt về tội tự tiện đến Mạn Đà Sơn Trang. Phu nhân lại bảo nếu gặp lần nữa thì sẽ chặt đầu. Biết làm… thế nào bây giờ?”

Đoàn Dự vội nói: “Vương cô nương… cô nương… mau tìm cách cứu bọn họ mới được.” Vương Ngữ Yên cũng bối rối, nhíu mày nói: “A Châu, A Bích là hai đứa thị tỳ tâm phúc của biểu huynh ta. Nếu để chúng thành phế nhân thì ta còn mặt mũi nào với biểu huynh nữa? U Thảo! Hiện giờ chúng ở đâu? U Thảo vốn là bạn thân với A Châu A Bích, nghe tiểu thư có ý giải cứu cho, thấy có một tia hy vọng vội đáp: “Phu nhân truyền đưa hai chị ấy xuống Hoa Phì Phòng. Tiểu tì đã xin Nghiêm bà bà hoãn lại một chút đừng động thủ vội. Bây giờ tiểu thư đến cầu khẩn phu nhân, may ra còn kịp.” Vương Ngữ Yên nghĩ bụng: “Năn nỉ mẫu thân chưa chắc đã ăn thua, nhưng cũng không còn cách nào khác”. Nàng gật đầu rồi cùng U Thảo, Tiểu Mính đi ngay.

Đoàn Dự nhìn theo tấm lưng uyển chuyển của nàng, muốn chạy theo nói thêm vài câu. Nhưng vừa cất bước lại thấy mình chẳng biết nói gì, liền tần ngần đứng lại. Chàng nghĩ lại câu chuyện mình cùng nàng vừa trao đổi bỗng dưng ngơ ngẩn.

Vương Ngữ Yên hấp tấp đi lên nhà trên, thấy mẹ đang ngồi nghiêng nghiêng, ngắm một bức tranh hoa sơn trà trên tường đến xuất thần, vội gọi khẽ một tiếng: “Mẫu thân!” Vương phu nhân chậm rãi quay đầu, vẻ mặt cực kỳ nghiêm nghị nói: “Con muốn nói chuyện chi? Việc gì có liên quan đến nhà Mộ Dung là ta không nghe đâu đấy!” Vương Ngữ Yên nói: “Thưa mẫu thân! A Châu, A Bích chuyến này không phải có chủ ý đến đây. Xin mẫu thân tha cho chúng một phen.” Vương phu nhân hỏi lại: “Sao con biết chúng không có chủ ý đến đây? Con sợ ta chặt tay chúng thì biểu huynh không nhìn đến con nữa, phải không?” Vương Ngữ Yên mắt đẫm lệ nói: “Biểu huynh con cũng là cháu mẫu thân, Sao mẫu thân… lại oán hận chàng? Dù mẫu thân có điều xích mích với cữu mẫu, thì cũng chẳng nên giận lây đến biểu huynh con.” Nàng đánh bạo nói mấy câu mà trống ngực đánh thình thình, lại tự hỏi: “Sao ta dám cả gan mở miệng lý sự cả với mẫu thân?”.

Vương phu nhân đôi mắt sáng như luồng điện lướt qua mặt con gái mấy lần, không nói năng gì rồi nhắm mắt lại. Vương Ngữ Yên không dám thở mạnh, không hiểu trong lòng mẫu thân đang nghĩ gì, ý định thế nào. Hồi lâu phu nhân mới mở mắt ra hỏi: “Sao con biết ta có chuyện xích mích với cữu mẫu? Xích mích ở chỗ nào?” Vương Ngữ Yên nghe giọng nói mẫu thân lạnh như băng giá lại càng sợ hãi, không nói nên lời. Vương phu nhân tiếp: “Con giỏi lắm! Bây giờ con lớn rồi, bất tất phải nghe lời ta nữa phải không?” Vương Ngữ Yên vừa bực mình vừa sợ, nước mắt tuôn rơi, nói: “Mẫu thân hờn giận cữu mẫu thì dĩ nhiên là cữu mẫu có điều không phải với mẫu thân. Thế nhưng không phải thế nào, mẫu thân có nói cho con nghe đâu. Bây giờ cữu mẫu qua đời rồi, mẫu thân đừng… đừng nhớ chuyện cũ làm gì nữa.” Vương phu nhân lớn tiếng hỏi: “Con nghe ai nói vậy?” Vương Ngữ Yên lắc đầu đáp: “Mẫu thân chưa hề nói với con, cũng chẳng cho người ngoài nào tới đây, còn ai kể cho con nghe nữa?”.

Vương phu nhân thở phào một cái nhẹ nhõm, giọng nói đã có vẻ hòa hoãn: “Ta làm thế cũng chỉ vì con thôi. Trên đời hạng lưu manh nhiều quá giết sao cho hết được? Con còn nhỏ, chỉ là một đứa trẻ ngây thơ, tốt hơn hết không nên gặp kẻ xấu.” Nói tới đây là vụt nhớ ra một chuyện, bèn nói: “Còn tên thợ trồng hoa họ Đoàn, mồm mép như tép nhảy, không phải là người tốt. Gã chỉ nói với con một câu là phải sai thị tì giết ngay, không để cho gã nói đến câu thứ hai. Con nghe chưa?” Vương Ngữ Yên nghĩ thầm: “Một câu với chả hai câu, y nói chuyện với mình có đến một trăm câu, hai trăm câu rồi”.

Vương phu nhân lại nói: “Sao? Xem chừng bộ mặt hiền lành, trái tim mềm nhũn như con suốt đời sẽ bị không biết bao nhiêu lần khổ sở.” Phu nhân vỗ tay hai cái, Tiểu Mính liền chạy vào. Vương phu nhân nói: “Mi truyền cho mọi người hay là ta ra lệnh: bất cứ ai còn nói với tên thợ trồng hoa họ Đoàn một câu nào là ta lập tức cho cắt lưỡi cả hai đứa.” Tiểu Mính nghe sợ xám mặt, tưởng chừng như phu nhân nói chuyện cắt lưỡi con gà con chó gì đó chứ không phải con người, dạ một tiếng rồi lập tức lui ra. Vương phu nhân lại xua tay bảo: “Con cũng đi ra.”

Vương Ngữ Yên đáp: “Dạ!” Nàng đi đến cửa, dừng bước quay đầu lại nhắc: “Xin mẫu thân tha cho A Châu, A Bích, rồi dặn chúng nó không được bén mảng tới đây nữa.” Vương phu nhân lạnh lùng đáp: “Ta đã nói rồi! Có bao giờ ta nói hai lời đâu? Con đừng nhiều lời vô ích.”

Vương Ngữ Yên cắn răng nói khẽ: “Con biết vì sao mà mẫu thân giận cữu mẫu, ghét biểu huynh rồi.” Dứt lời nàng dậm chân nhè nhẹ một cái, đoạn ra khỏi phòng.

Phu nhân gọi: “Quay lại!” Hai tiếng đó không có gì lớn nhưng đầy vẻ uy nghiêm, Vương Ngữ Yên lại bước vào phòng cúi đầu không nói gì. Vương phu nhân vừa nhìn làn khói hương xanh ngắt bay quanh quẩn, vừa hỏi: “Yên nhi, con biết những gì? Đừng cố giấu ta! Nói hết đầu đuôi đi!” Vương Ngữ Yên mím môi nói: “Cữu mẫu trách mẫu thân giết người bừa bãi, đắc tội với quan nha, lại kết oán gây thù với võ lâm.”

Vương phu nhân đáp: “Đúng đó! Chuyện này là chuyện riêng của nhà họ Vương, có liên can gì đến nhà Mộ Dung đâu? Bà ấy có quyền hành gì mà ước thúc ta? Hừ, họ Mộ Dung mấy trăm năm nay, lúc nào cũng mơ chuyện phục Yên, tính chuyện liên lạc anh hùng hào kiệt mà sai khiến. Liên lạc chưa xong lại gây gổ với người ta, đắc tội với cả Cái Bang lẫn phái Thiếu Lâm.”

Vương Ngữ Yên nói: “Thưa mẫu thân, Huyền Bi hòa thượng của phái Thiếu Lâm nhất định không phải do biểu huynh giết. Anh ấy đâu có biết…” Nàng sắp nói ba tiếng Vi Đà Chử vội vàng nín bặt, nếu như mẫu thân hỏi gặng thì Đoàn Dự khó mà thoát khỏi cái họa sát thân, bèn nói trở ra: “Võ công chưa tới được mức đó.”

Vương phu nhân nói: “Phải đó! Lần này y lên chùa Thiếu Lâm. Chắc là mấy tên thị tỳ hớt lẻo sang đây mách con chứ gì? Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong, gớm, tên tuổi lẫy lừng quá nhỉ? Thế nhưng một thằng lỏi Mộ Dung Phục, thêm một gã Đặng Bách Xuyên lên chùa Thiếu Lâm thì làm được chuyện gì? Thật là không biết lượng sức mình.”

Vương Ngữ Yên tiến lại gần, khẩn khoản nói: “Mẫu thân! Xin mẫu thân nghĩ cách nào cứu biểu huynh một phen, sai người tới tiếp ứng được không? Họ Mộ Dung chỉ còn mình biểu huynh nối dõi, nếu anh ấy có mệnh hệ nào thì nhà Mộ Dung ở Cô Tô phải đoạn tôn, diệt tộc.” Vương phu nhân cười lạt đáp: “Hừ! Cô Tô Mộ Dung! Nhà Mộ Dung có liên can gì đến ta đâu? Con mụ cữu mẫu nói Hoàn Thị Thủy Các tàng trữ sách vở còn nhiều hơn Lang Hoàng Ngọc Động của nhà này nữa cơ mà, để thằng con cưng Mộ Dung Phục của mụ đến chùa Thiếu Lâm đại hiển uy phong càng tốt chứ sao.”

Vương Ngữ Yên nuốt lệ cúi đầu đi ra, cõi lòng trống rỗng không có định hướng, chẳng biết làm thế nào. Nàng đi tới dãy hành lang phía tây, thoảng nghe có tiếng người khẽ gọi: “Cô nương! Công việc ra sao?” Vương Ngữ Yên ngửng đầu nhìn lên, hóa ra Đoàn Dự, hoảng hốt nói: “Ngươi… ngươi đừng nói gì với ta nữa.”

Thì ra Đoàn Dự thấy Vương Ngữ Yên đi rồi, chàng tần ngần đi theo sau rồi đứng chờ ngoài xa. Ngữ Yên ở trong phòng phu nhân đi ra, chàng cũng không tự chủ được lại lẽo đẽo theo sau, mới nhìn nét mặt sầu thảm của nàng đã biết ngay Vương phu nhân không ưng thuận, liền nói: “Phu nhân không dung cho thì ta tính cách khác chứ sao?” Vương Ngữ Yên đáp: “Mẫu thân ta không nghe thì còn cách nào nữa? Bà ấy… bà ấy còn nhất định thõng tay đứng nhìn biểu huynh gặp nguy nan.” Nàng càng nối càng đau lòng, không cầm được nước mắt.

Đoàn Dự nói: “Ồ, nếu như Mộ Dung công tử cũng lâm nguy…” Rồi chàng sực nhở ra điều gì nói tiếp: “Cô nương hiểu võ công nhiều như thế, sao không đích thân đi giúp biểu huynh?” Vương Ngữ Yên mắt đẫm lệ ngước lên nhìn Đoàn Dự chăm chăm, tựa hồ như câu chàng nói rất là kỳ dị. Hồi lâu nàng mới đáp: “Ta… ta chỉ hiểu võ công nhưng lại không biết sử dụng. Ta đi thế nào được? Việc này mẫu thân còn khe khắt hơn.” Đoàn Dự mỉm cười nói: “Dĩ nhiên là phu nhân không cho rồi. Thế nhưng cô nương không tự mình lén đi được hay sao? Chính tôi đây cũng từng bỏ nhà trốn đi rồi sau trở về, cả gia gia lẫn má mà có trách phạt gì đâu?”

Vương Ngữ Yên nghe chàng nói thế, xem ra hết bế tắc, đôi mắt sáng lên, nghĩ thầm: “Phải lắm! Ta lén đi cứu biểu huynh.” Nàng nghĩ đến chuyện vì đi cứu biểu huynh mà chịu gian nan vất vả thì trong lòng vừa chua xót lại vừa phấn khởi, lại nghĩ: “Gã này đã trốn nhà ra đi, ồ, mà sao trước nay ta không nghĩ đến chuyện này nhỉ?”.

Đoàn Dự nhìn thần sắc cô gái biết nàng đã xiêu lòng nên càng ra sức cổ võ: “Cô nương cứ chui rúc ở Mạn Đà Sơn Trang này mãi, sao không ra ngoài mà xem phong cảnh hùng vĩ, thế giới bao la?”

Vương Ngữ Yên lắc đầu: “Ta nghĩ cũng chẳng có gì đáng xem, chỉ cần đi tiếp ứng biểu huynh. Có điều trước này ta chưa từng luyện võ, nếu như anh ấy gặp nguy hiểm, ta cũng không giúp được gì.” Đoàn Dự nói: “Sao cô nương lại bảo là không giúp được gì? Giúp được nhiều lắm chứ. Khi biểu huynh có động thủ với người ngoài, cô nương chỉ cần đứng ngoài nói vài câu, cái đó gọi là đứng ngoài sáng nước. Mới đây tôi xem đánh cờ, người ta đã tưởng thua, tôi đứng ngoài chỉ cho vài nước liền lật ngược tình thế.” Vương Ngữ Yên nghe thấy có lý nhưng vẫn chưa đủ can đảm, ngần ngừ đáp: “Ta chưa từng ra khỏi cửa, chẳng biết Thiếu Lâm tự ở phương nào.”

Đoàn Dự lập tức vớ ngay cơ , nói: “Tôi xin đi với cô nương, dọc đường có chuyện gì tôi sẽ ứng phó giùm cho.” Chàng vốn dĩ chẳng có bao hội nhiêu kinh nghiệm giang hồ, nhưng dại gì mà nói ra. Vương Ngữ Yên nhíu đôi mày xinh xắn, nghiêng đầu trầm ngâm không biết tính sao cho phải. Đoàn Dự lại hỏi: “Còn A Châu, A Bích ra sao rồi?” Vương Ngữ Yên đáp: “Mẫu thân ta không chịu dung tha.” Đoàn Dự tiếp lời: “Thôi thì đâm lao phải theo lao, nếu hai cô này bị chặt tay thì biểu huynh cô nương tất sẽ trách cứ. Sao bằng cứu cả hai người đó rồi cả bốn người cùng đi một lượt.” Vương Ngữ Yên lắc đầu lè lưỡi nói: “Đại nghịch bất đạo như thế khi nào mẫu thân ta chịu để yên? Ngươi thật là lớn mật.”

Đoàn Dự biết rằng việc gì phải có liên quan đến biểu huynh mới lay chuyển được nàng, bèn lấy lùi làm tiến, nói: “Đã thế thì chúng ta ra đi tức khắc, để mặc hai cô A Châu, A Bích bị chặt tay. Sau này biểu huynh cô nương có hỏi đến thì cứ nói không biết là xong. Tôi nhất định giữ bí mật chuyện này.” Vương Ngữ Yên vội nói: “ Không được! Không được! Thế thì ta dối trá cả biểu huynh hay sao?” Nàng ngần ngừ một lúc rồi than: “Trời ơi! A Châu, A Bích là hai tên thị nữ tâm phúc, phục thị chàng từ thuở nhỏ. Nếu để chúng bị chặt cụt chân tay thì họ Mộ Dung với họ Vương lại kết thêm một mối thâm cừu.” Nàng dậm chân xuống đất nói: “Ngươi đi theo ta!”

Đoàn Dự nghe bốn chữ “Ngươi đi theo ta” thật mừng không để đâu cho hết, trong đời chưa bao giờ nghe câu nào ngọt ngào đến thế. Chàng thấy nàng đi về hướng tây bắc liền lẽo đẽo theo sau. Chỉ một lát, Vương Ngữ Yên đã đưa chàng đến một căn nhà đá lớn, cất tiếng gọi: “Nghiêm má má! Mụ ra đây ta bảo!”

Bỗng từ trong thạch ốc vẳng ra một chuỗi cười thật là quái đản, một giọng nói khàn khàn vọng ra: “Cô nương đến coi mụ chế phân bón hoa đó phải không?” Lúc nãy Đoàn Dự đã nghe thấy U Thảo cùng Tiểu Mính bảo A Châu, A Bích đã bị tống vào trong Hoa Phì Phòng gì đó nhưng không để ý. Lúc này nghe giọng nói lạnh lẽo đầy âm khí nhắc tới “phân bón” chàng mới thấy giật mình: “Trời ơi! Họ làm phân bón hoa! Chao ôi! Vương phu nhân thật là tàn nhẫn đến cùng cực, đem người chôn sống, chặt ra để bón hoa trà. Không biết mình có đến trễ không, lỡ hai nàng A Châu A Bích bị chặt tay rồi thì biết làm thế nào đây?”. Trống ngực chàng đánh thình thình, mặt mày tái mét tưởng chừng cắt không chảy máu.

Vương Ngữ Yên nói: “Nghiêm má má, mẫu thân ta có việc cần, mụ ra đây ngay.” Người đàn bà trong thạch thất nói: “Ta đang bận. Phu nhân có việc chi cần kíp mà phải sai cô nương thân hành đến đây?” Vương Ngữ Yên đáp: “Mẫu thân ta bảo… chà… Đã đem bọn chúng đến đây chưa?”

Nàng vừa nói vừa bước vào trong nhà đá, nhìn thấy A Châu, A Bích bị trói vào hai cây cột sắt, miệng bị nhét hạt đào, Hai nàng mắt đẫm lệ mà miệng không sao nói được. Đoàn Dự cũng ghé đầu vào coi, thấy chưa việc gì mới hơi yên tâm, nhưng nhìn qua bên kia thì tim lại đập rộn lên, Một mụ già lưng còng đầu tóc bạc phơ, tay cầm một lưỡi dao dài sáng loáng, bên cạnh là một vạc nước sôi sùng sục.

Vương Ngữ Yên nói: “Nghiêm má má, mẫu thân ta bảo mụ tạm tha hai đứa này ra để ta dẫn chúng lên tra hỏi một việc khẩn cấp.”

Bấy giờ Nghiêm má má mới quay đầu lại, Đoàn Dự thấy mụ mặt mày gớm ghiếc, ánh mắt đầy sát khí, cặp răng nanh nhọn hoắt chìa ra ngoài miệng dường như để cắn người, chỉ nhìn cũng đủ biết bụng dạ tàn nhẫn đến chừng nào. Bỗng thấy mụ gật đầu nói: “Được, hỏi xong rồi lại đem xuống đây để chặt tay.” Mụ lẩm bẩm nói một mình: “Nghiêm má má này bình sinh ghét nhất mấy đứa con gái xinh đẹp. Hai con lỏi này có chặt tay rồi vẫn còn đẹp, ta phải nói với phu nhân chặt cả hai chân làm phân, lâu nay hoa không được tốt”. Đoàn Dự nghe mẹ nói giận quá nghĩ bụng: “Mụ la sát độc ác này không biết đã giết chết bao nhiêu người rồi. Tiếc rằng sức mình trói gà không chặt, không thì tát cho mụ gãy mấy cái răng rồi hãy cứu A Châu, A Bích.”

Nghiêm má má tuy già nhưng tai còn thính lắm, Đoàn Dự đứng bên ngoài thở mạnh bị mụ ta phát giác ngay, hỏi liền: “Đứa nào đứng ngoài đấy?” Rồi mụ thò đầu ra ngoài trông thấy Đoàn Dự, trong lòng sinh nghi hỏi ngay: “Mi là ai?” Đoàn Dự cười nói: “Tôi là thợ trồng hoa, vâng lệnh Vương phu nhân trồng mấy khóm bạch trà, đến đây hỏi má má xem có đồ bón chưa?” Nghiêm má má đáp: “Mi chờ một lúc nữa sẽ có!” Mụ quay sang hỏi Vương Ngữ Yên: “Tiểu thư Mộ Dung thiếu gia cưng hai con nha hoàn này lắm phải không?”

Vương Ngữ Yên đáp: “Đúng rồi! Mụ đừng giết chúng hay hơn.” Nghiêm má mà gật đầu: “Tiểu thư, phu nhân có dặn đem hai đứa a đầu này chặt cánh tay hữu tống ra khỏi trang. Phu nhân còn nói thêm: Từ nay nếu hai đứa mi còn để cho ta thấy mặt là bị chém đầu tức khắc, có phải không nào?” Vương Ngữ Yên đáp: “Phải rồi!” Nàng vừa buột miệng đã biết lỡ lời, giơ tay lên bịt miệng lại. Đoàn Dự ngấm ngầm than rằng: “Chết rồi! Cô này không biết nói dối.”

Nghiêm má má giả vờ tuổi già lẫn lộn, không để ý đến chỗ vô tình bại lộ, mụ nói: “Dây trói chặt quá, tiểu thư lại đây giúp tôi một tay tháo ra.” Vương Ngữ Yên đáp: “Được rồi!” Nàng vừa bước tới cạnh A Châu để cởi dây trói thì đột nhiên đánh tách một tiếng, một cái đai sắt hình cánh cung từ trong cột sắt bật ra, quàng lấy chiếc lưng thon rồi thít chặt vào. Vương Ngữ Yên rú lên một tiếng. Cái vòng sắt ôm lấy lưng nàng chỉ còn hở có vài tấc, nàng cựa thế nào cũng không thoát ra được.

Đoàn Dự cả kinh chạy lại quát hỏi: “Mi làm trò gì thế này? Mau buông tiểu thư ra!” Nghiêm má mà lại buông mấy tiếng cười khanh khách, nói: “Phu nhân đã bảo còn gặp hai đứa a đầu này sẽ chặt đầu ngay, sao lại còn gọi chúng lên tra hỏi? Hơn nữa thiếu chi thị nữ, nha hoàn mà tiểu thư phải thân hành đến đây? Trong việc này tất còn có điều gì khác lạ. Tiểu thư hãy chờ đây một lát để mụ lên bẩm lại phu nhân rồi sẽ xuống nói chuyện.”

Vương Ngữ Yên tức giận nói: “Sao mụ dám hỗn láo thế? Thả ta ra ngay!” Nghiêm má má đáp: “Tiểu thư xét lại cho, ta lúc nào cũng giữ tấc dạ trung thành với phu nhân, không dám làm điều gì mảy may lầm lẫn. Thái thái nhà Mộ Dung đối với phu nhân chẳng phải chút nào, nói xấu phu nhân nhiều điều, phỉ báng tiếng tăm thanh bạch của phu nhân, phu nhân lộn ruột đã đành mà bọn người dưới chúng ta cũng hận tới xương tủy. Ngày đó nếu như phu nhân chỉ gật đầu một cái, bọn ta lập tức, quật mồ thái thái lên, lấy xương đem vào Hoa Phì Phòng để làm phân bón hoa. Tiểu thư, ta nói cho cô nghe, họ Mộ Dung chẳng tốt lành gì đâu, phu nhân không thể nào tha hai con a đầu này được. Thế nhưng tiểu thư đã nói vậy thì xin chờ ta lên hỏi lại phu nhân, nếu quả đúng là như thế ta sẽ khấu đầu tạ tội, có đem roi đập vào lưng ta cũng được.” Vương Ngữ Yên rất đỗi hoang mang, gọi giật lại: “Này này! Mụ đừng lên hỏi mẫu thân ta nữa! Người làm ầm lên bây giờ!”

Nghiêm má má không còn hoài nghi gì nữa, rõ ràng tiểu thư phản bội phu nhân, giả truyền hiệu lệnh để thả hai đứa thị tì của biểu huynh. Mụ muốn nhân cơ hội lập công bèn nói: “Không sao? Tiểu thư chờ đây một lát, ta trở lại ngay mà!” Vương Ngữ Yên vẫn cố ngăn lại nói: “Mụ đừng đi! Thả ta rồi hãy nói chuyện.” Nghiêm má má khi nào chịu nghe nàng, mụ trở gót đi ngay ra cửa.

Đoàn Dự thấy sự tình nguy cấp, vội giơ tay ra cản đường, cười nói: “Mụ thả tiểu thư ra trước rồi hãy lên hỏi phu nhân, có hay hơn không? Mụ là người dưới, đắc tội với tiểu thư thì không yên thân được đâu.”

Nghiêm má má liếc đôi mắt ti hí nhìn Đoàn Dự, rồi ngoẹo đầu nói: “Thằng lỏi này xem ra cũng có điều xảo trá đây.” Mụ vừa nói vừa giơ tay chụp lấy cổ tay Đoàn Dự, lôi chàng xềnh xệch tới cái cột sắt, bấm nút cơ quan. Nghe “cách” một tiếng, cái vòng thép đã bật ra chụp ngang lưng chàng. Đoàn Dự hoảng quá vội vàng trở tay nắm chặt cổ tay mụ nhất định không buông.

Nghiêm má má vừa bị chàng nắm được lập tức thấy nội lực trong mình cuồn cuộn tuôn ra, khó chịu không biết đến đâu mà kể. Mụ cả giận quát lên: “Buông tay ra!” Càng mở miệng quát, chân khí trong người càng tiết ra mau. Nghiêm má má cố sức cựa quậy mà không sao gỡ thoát được tay Đoàn Dự, kinh hãi la lên: “Xú tiểu tử, mi làm gì thế? Có bỏ ta ra không nào?”

Mặt Đoàn Dự đối diện với bộ mặt quỷ dạ xoa của mụ già, chỉ cách nhau vài tấc. Lưng chàng đã bị vòng thép xiết chặt, không thể nào quay mặt ra chỗ khác được, nhìn bộ răng vàng khè nhọn hoắt của mụ tưởng như muốn đớp vào cổ họng mình, trong bụng vừa kinh hãi vừa ghê tởm, nhưng chàng biết tình trạng đang nguy ngập khác nào ngàn cân treo đầu sợi tóc. Giả tỷ mình buông tha mụ ra thì Vương Ngữ Yên tất nhiên sẽ bị trọng phạt mà tính mạng mình cùng A Châu, A Bích cũng không bảo toàn được. Chàng đành nhắm mắt không dám nhìn mụ ta nữa.

Nghiêm má má yếu ớt kêu: “Mi… mi có buông tha ta không?” Đoàn Dự lúc trước hút nội lực của bảy tên đệ tử phái Vô Lượng mất một thời gian lâu, về sau lại được thềm của nhiều cao thủ mỗi người một ít nên nội lực chàng càng lúc càng mạnh, sức hút của Bắc Minh thần công càng lúc càng lớn, bây giờ hút nội lực của mụ già này chỉ một loáng là xong. Nghiêm má má tuy là người hung hãn nhưng nội lực làm gì có nhiều nên chỉ trong thời gian uống cạn tuần tra là đã tinh thần bạc nhược, hơi thở yếu ớt, rền rĩ: “Bỏ… bỏ ta ra, bỏ… bỏ… tay…”

Đoàn Dự nói: “Mụ phải mở cơ quan thả ta trước đã.” Nghiêm má má đáp: “Xin vâng! Xin vâng!” Mụ ngồi thụp xuống thò tay vào gầm bàn bấm nút cơ quan, nghe cách một tiếng chiếc ngàm đang choàng quanh người Đoàn Dự thụt về. Chàng lại chỉ vào Vương Ngữ Yên và Châu Bích hai người ra lệnh cho mụ ta thả ra. Nghiêm má má giơ tay bấm cơ quan để mở cho Vương Ngữ Yên, loay hoay một hồi vẫn không thấy nhúc nhích gì cả. Đoàn Dự cả giận hỏi: “Mụ không chịu thả tiểu thư phải không?” Nghiêm má má mếu máo đáp: “Ta… ta kiệt lực mất rồi.”

Đoàn Dự tự mình thò tay vào gầm bàn sẽ thấy nút bấm, ấn nghe “cách” một tiếng, chiếc vòng đang giữ lưng Vương Ngữ Yên từ từ tụt vào trong cột sắt. Chàng cả mừng nhưng tay vẫn nắm chặt Nghiêm má má, cúi xuống nhặt thanh đao cắt đứt dây trói tay A Bích.

A Bích rảnh tay lại đón lấy thanh đao cắt đứt dây trói cho A Châu, hai người lại móc hạt đào nhét trong miệng ra rồi vừa mừng vừa sợ, hồi lâu không nói nên lời.

Vương Ngữ Yên giương mắt nhìn Đoàn Dự, nét mặt nàng lộ vẻ kỳ dị lại có vẻ khinh khi, hỏi: “Sao ngươi lại biết Hóa Công Đại Pháp? Môn công phu dơ bẩn đó học làm chi?” Đoàn Dự lắc đầu đáp: “Đó không phải là Hóa Công Đại Pháp.” Rồi chàng toan thuật hết đầu đuôi cho Vương Ngữ Yên nghe, nhưng một là câu chuyện quá dài, hai là vị tất cô nàng đã tin, thuận miệng đặt ra một cái tên thì hơn, bèn nói: “Đây là một công phu gia truyền của họ Đoàn nước Đại Lý chúng tôi tên là Lục Dương Dung Tuyết Công, do Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm biến hóa mà thành. So với Hóa Công Đại Pháp thì một đằng chính một đằng tà, một đằng thiện một đằng ác, không thể coi là một được.”

Vương Ngữ Yên tin ngay, mỉm cười nói: “Quả là ta kiến thức hẹp hòi, có điều không phải với người. Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn nước Đại Lý ta ngưỡng mộ đã lâu. Lục Dương Dung Tuyết Công thì hôm nay mới nghe nói tới lần đầu, ngày sau thế nào cũng có lúc xin dạy bảo.” Đoàn Dự nghe mỹ nhân hỏi tôi đã cho là mình có phước lắm rồi, vội vàng đáp ngay: “Nếu tiểu thư hỏi đến, tôi nguyện nói hết cho nghe không dám giấu giếm gì.”

A Châu, A Bích thật không ngờ đến phút khẩn cấp cuối cùng Đoàn Dự tới giải cứu, lại thấy chàng cùng tiểu thư trò chuyện thân mật đều lấy làm kỳ dị. A Châu nói: “Thưa cô nương cùng Đoàn công tử, xin cảm tạ cái ơn cứu mạng! Bây giờ ta phải bắt Nghiêm má má dẫn theo để mụ ta khỏi tiết lộ bí mật.”

Nghiêm má má hoảng hốt, nghĩ thầm nếu bị hai đứa a đầu này bắt đi tất mười phần chết chín, kêu lên: “Tiểu thư, tiểu thư, thái thái nhà Mộ Dung nói là phu nhân đi cướp chồng người, còn nói…” Mụ chưa dứt lời, A Châu một tay giữ đầu, tay kia cầm ngay hột đào mình vừa nhả ra nhét luôn vào mồm mụ. Đoàn Dự cười nói: “Phải lắm! Đúng là tuyệt kỹ gây ông đập lưng ông của nhà Mộ Dung.”

Vương Ngữ Yên nói: “Ta đi với bọn ngươi một chuyến xem…” Nàng nói tới đây, vẻ mặt thẹn thùng xuống giọng: “xem… tình hình chàng ra sao.” Nàng vốn dĩ do dự nhưng sau biến cố này cảm thấy quyết tâm hơn. A Châu cả mừng nói: “Được cô nương đi viện trợ cho công tử thì còn gì hay bằng? Vậy thì mình chẳng cần đưa Nghiêm má mà theo làm gì.” Hai cô gái lôi Nghiệm má má đến cạnh cột sắt rồi bấm nút cơ quan đưa vòng thép ra giữ chặt lấy mụ. Bốn người lẳng lặng đi ra khỏi cửa, rảo bước về phía bờ hồ.

Cũng may trên đường chẳng gặp một ai, họ cùng nhau bước xuống thuyền nhỏ, rồi A Châu, A Bích hạ mái chèo, quay mũi thuyền chèo đi. A Châu, A Bích và cả Đoàn Dự, cả ba đều cố sức chèo cho nhanh, đến lúc quay lại không còn thấy bóng cây cối của Mạn Đà Sơn Trang nữa mới yên tâm. Tuy nhiên họ vẫn sợ Vương phu nhân cho khoái thuyền ra đuổi theo nên vẫn không dám ngừng tay.

Chèo đến lúc trời xế bóng, trên mặt hồ sương chiều mỗi lúc một dày, A Châu nói: “Cô nương, nơi đây cách chỗ tiểu tì ở không xa, mời cô nương ghé nghỉ tạm một đêm để thương nghị việc đi tìm công tử, nên chăng?” Vương Ngữ Yên đáp: “Thế cũng được.” Nàng càng xa Mạn Đà Sơn Trang càng thêm trầm mặc.

Đoàn Dự thấy gió trên hồ thổi làm tà áo nàng phất phơ, khi hoàng hôn xuống hơi lành lạnh, trong đầu bỗng nhiên cảm thấy thê lương, nỗi vui mừng lúc mới ra đi càng lúc càng vơi dần.

Lại chèo thêm một hồi, nhìn vào mặt những bạn đồng hành thấy đã mông lung, chợt phía đông nhìn thấy ánh đèn le lói, A Bích nói: “Chỉ có ánh đèn kia là Thính Hương Thủy Tạ, nơi ở của A Châu tỉ tỉ.” Thuyền liền nhắm thẳng phía đó bơi tới. Đoàn Dự lẩm bẩm: “Đời ta khó lòng lại có được một buổi như hôm nay. Ước gì con thuyền cứ lênh đênh mãi trên mặt hồ, vĩnh viễn dừng đến chỗ đèn lửa kia thì có phải sung sướng hơn không?” Bất thình lình trước mặt một tia sáng lóe ra, trên trời có một vì sao đổi ngôi xẹt qua, vạch thành một cái đuôi rất dài.

Vương Ngữ Yên miệng rì rầm nói điều gì, Đoàn Dự nghe không rõ. Lúc đó trời đã tối mịt, không nhìn rõ mặt, chỉ nghe thấy nàng buồn bã thở dài. A Bích dịu dàng nói: “Cô nương hãy yên lòng. Công tử thường gặp dữ hóa lành, trước nay biết bao nhiêu lần gặp nguy hiểm đều qua khỏi hết.” Vương Ngữ Yên đáp: “Chùa Thiếu Lâm nổi tiếng đã mấy trăm năm ắt tài nghệ ghê gớm không thể nào lường được. Chỉ mong các vị cao tăng thông hiểu tình lý, chịu nghe biểu huynh giãi bày mọi chuyện. Ta chỉ ngại rằng… ngại rằng biểu huynh tính khí cao ngạo, lời qua tiếng lại rồi xung đột với chư tăng, ôi…” Nàng ngừng lại một chút, nhỏ nhẹ tiếp: “lần nào gặp sao đổi ngôi ta đều ước nguyện, nhưng chưa thành tựu lần nào.”

Người đất Giang Nam thuở nay vẫn tin rằng mỗi khi có sao đổi ngôi, người nào cầu nguyện khấn khứa được trọn lời thì việc khi đến đâu cũng toại nguyện.

Nếu lời cầu còn dang dở mà sao đã biến mất rồi thì việc không thành. Thế nhưng ánh sao thường chỉ xẹt ngang rồi tắt ngay, chỉ kịp nói mấy chữ, thành thử muôn ngàn năm nay, không biết bao nhiêu cô gái Giang Nam ôm mộng trong lòng đã vì đó mà sinh thất vọng. Vương Ngữ Yên tuy là người rất hiểu biết lại cực kỳ tinh thông võ học, nhưng về tính tình nhi nữ cũng có khác gì cô gái quê mùa?

Đoàn Dự nghe nàng than vãn bỗng chạnh mối thương tâm, chàng biết rõ điều ước nguyện của nàng nhất định có liên quan đến Mộ Dung công tử và hơn là cầu cho gã bình an, vạn sự như ý. Chàng chợt tự hỏi: “Trên đời này có người con gái nào vì mình mà thầm ước nguyện gì chăng? Mộc Uyển Thanh trước đây yêu ta sâu đậm thật, nhưng sau khi nàng biết ta là huynh trưởng dĩ nhiên sẽ có mối tình cùng người khác, không biết hiện giờ ở đâu? Và đã gặp được như ý lang quân chưa? Còn Chung Linh ư? Liệu nàng có biết ta cũng là huynh trưởng hay không? Dẫu cho không biết, có lúc nàng ngẫu nhiên tưởng tới ta thì cũng chẳng qua là rộn ràng trong chốc lát rồi chuyện đâu bỏ đó, quyết không bằng Vương cô nương tha thiết với ý trung nhân, mối tình dường như đã khắc cốt ghi xương.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.