Dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ, Quan Sơn Nguyệt cố nhận xét hai người vừa đến để hiểu nhân phẩm của họ, cũng như ức đoán tâm tư của họ để lấy thái độ thích ứng.
Hai người đó cùng đội mão cao, cùng vận nho phục, hình vóc thì một người cao, một thấp, họ suýt soát tuổi nhau, cả hai vào trên dưới năm mươi.
Người cao có râu dài đến ngực, người thấp thì râu ngắn quẳng ngược lên, cả hai có nhãn quang sáng rực.
Quan Sơn Nguyệt thầm nghĩ trong hai người hẳn phải có một là kẻ đã ám toán chàng vừa rồi, nhưng may mắn thay chàng lại thoát nạn. Và cứ theo lời nói của một trong hai người thì kẻ đó chính là Tư Kỳ. Nhưng trong hai người, ai là Tư Kỳ? Người cao hay người thấp? Chàng nghiêm giọng nói:
– Vị nào vừa rồi ám toán tại hạ?
Người thấp trừng mắt nhìn chàng đáp:
– Ta! Ngươi là chi? Bất quá là một tiểu tử, ngươi lỗ mãng quá chừng, ta chỉ đùa với ngươi, ngươi lại không dằn được tính khí, chẳng những mắng ta lại còn phá hủy một góc rừng trúc! Ta nghĩ ngươi đã gây thiệt hại thì ngươi phải bồi thường.
Quan Sơn Nguyệt càng sôi giận, chàng biết người thấp là Tư Kỳ. Dung mạo hình dáng của Tư Kỳ không gây nổi một hảo cảm nào nơi chàng rồi, cái giọng nói của lão ấy lại còn làm cho chàng khó chịu hơn.
Tư Kỳ không tạo nổi một ấn tượng tốt đẹp nơi chàng, thì chàng cần gì phải đối xử lễ độ? Giả dĩ chính lão ám toán chàng kia mà? Đùa cái gì mới được chứ?
Giả như chàng không tránh kịp thì đã mất mạng rồi! Nhưng thế mà gọi là đùa được sao? Đùa trên sanh mạng người ta à?
Chàng mắng luôn:
– Vô lý! Các hạ xem mạng người như cỏ rác, dám đem sự sống chết của người ra làm trò đùa. Con người như vậy liệu có tư cách đáng trọng chăng?
Lão thấp đưa tay vuốt qua hàm râu ngắn, cao ngạo tiếp:
– Tiểu tử, ngươi đừng có mở miệng là mắng người ta, ta đã nói ta đùa, là đùa, nếu ta có ác ý muốn giết ngươi thì hai quân cờ vừa rồi không nhắm vào cành tùng đâu.
Quan Sơn Nguyệt thấy lão ngoan cố dùng cưỡng từ để đoạt lý, bất giác sôi giận phừng phừng toan phát tác, nhưng người cao khoát tay, điểm một nụ cười thốt:
– Thế huynh không nên phẫn nộ làm gì. Thật sự thì Tư Kỳ muốn đùa thế huynh đấy, điều đó tại hạ dám bảo chứng. Giả như thế huynh không nhảy được xa, dù có vì cành cây gãy mà rơi ngay xuống bên dưới vị tất phải mất mạng mà lo.
Quan Sơn Nguyệt trừng mắt:
– Đừng nói nhảm! Từ trên cao như thế đó …
Người cao mỉm cười tiếp:
– Xem thì bên dưới rất sâu, song khi nào thế huynh rơi đến đáy được? Bởi bên dưới có lưới hứng, bất quá thế huynh phải một phen khiếp hãi thôi.
Quan Sơn Nguyệt giật mình. Cái lão cao này xem ra cũng là con người thức thời vụ, tánh tình hòa dịu, đáng tin tưởng được. Như vậy là lão nói đúng sự thật, chàng không còn căm hận lão thấp nữa.
Một phút sau, chàng lẩm nhẩm:
– Các hạ nói sao tại hạ hay vậy, chứ tại hạ nào biết được.
Lão thấp «hừ» một tiếng:
– Nếu ngươi hiểu được thì trò đùa của ta còn thú vị gì nữa?
Quan Sơn Nguyệt không thể có thiện cảm đối với lão thấp, lập tức chàng trả miếng:
– Dù cho bên dưới thật sự có lưới hứng đi nữa, các hạ cũng không nên đùa như thế, bởi núi thì cao trăm trượng hố thì sâu chẳng biết bao nhiêu trượng, cao và sâu cộng lại, cái khoảng cách đó quan trọng như thế nào chứ? Nếu gặp một người không biết võ công mà các hạ đùa như vậy, thì có khác nào giết chết người ta chăng?
Lão thấp cười lạnh:
– Người không biết võ công thì chẳng bao giờ lên được nơi đây, đường dây đó đâu phải mỗi ai cũng phăng theo lên được? Như vậy thì làm gì có việc hại chết kẻ không biết võ công? Còn những kẻ biết võ công thì khi nào lại ngã mà chết được? Thị Thơ có nói là ngươi mường tượng thông minh, bây giờ ta nhận ra ngươi chẳng thông minh chút nào, trái lại ngươi ngu xuẩn thì có.
Thị Thơ? Có phải là Thơ Cuồng chăng?
Cái lý của Tư Kỳ vững quá, Quan Sơn Nguyệt không đánh đổ nổi, chàng đành nín lặng.
Lão thấp đắc ý, nhìn chàng trừng trừng, tiếp:
– Tiểu tử! Sao không tranh luận nữa? Ngươi hồ đồ quá, tưởng là vung kiếm sẽ gây trọng thương cho người, không ngờ chỉ có tài chém trúc. Trúc của ta ngã đổ hết rồi, ngươi làm sao bồi thường cho ta? Phải biết, trên núi cao, trồng được một khu rừng trúc là cả một sự khó khăn không tưởng nổi đấy.
Quan Sơn Nguyệt tức uất, lại muốn phát tác.
Lão cao cười nhẹ chen vào:
– Tư Kỳ, đừng quy trách nhiệm về ai cả. Đành rằng trúc do vị thế huynh kia chém ngã, song truy ra căn nguyên thì lỗi về phần ngươi bởi ai bảo ngươi đùa?
Lão thấp kêu lên:
– Cầm Khiêu! Ngươi bênh vực người ngoài toan bức hiếp ta …
Lão cao cười hì hì:
– Ta chỉ luận theo đạo lý, việc làm sao, ta luận như vậy, ngươi lỗi, ta phải nhận xét là ngươi lỗi, tốt hơn ngươi nên nhận lỗi, dù sự tình này có được đưa đến Nguyệt Hoa Phu Nhân, ta dám chắc phu nhân cũng phán đoán lỗi về ngươi thôi.
Lão thấp tặc lưỡi:
– Nguy! Thế thì nguy cho ta rồi. Cứ như thế này thì ta phải đến tận Đại Thanh Sơn, nói khó với lão Bạch Đà làm khổ công cho lão ta ba tháng, xin một bình nước Tái Sanh Tuyền đem về đây tưới mấy đoạn trúc ngã cho sống lại.
Lão cao lại cười:
– Sự việc đâu có đơn giản như vậy. Điều thứ nhất là cái lão Bạch Đà đó khó thương lắm, xưa nay lão ta có dễ dãi với ai bao giờ đâu? Lão bằng lòng hay không thì sự đó cũng chẳng cần nói làm gì. Chính cái điều thứ hai mới rắc rối hơn, là ba tháng khổ công đó ngươi có chịu nổi hay không?
Lão thấp kêu khổ:
– Thế thì ta phải làm sao? Tự ta làm, ta phải chịu, khổ ơi là khổ!
Lão cao lại cười hì hì:
– Còn điều thứ ba nữa là dù ngươi xin được Tái Sanh Tuyền Thủy mang về đây, những đoạn trúc đó hẳn là khô thành gỗ mất!
Lão thấp gãi đầu, gãi tai, kêu lớn:
– Làm sao bây giờ? Tiểu tử ơi, ngươi hại chết ta!
Trước đó, Quan Sơn Nguyệt thấy lão đáng ghét lạ, bây giờ thì chàng thương hại lão vô cùng. Bất giác động tính hùng, chàng cao giọng thốt:
– Vị tiên sinh đó không nên khẩn cấp, tại hạ đã chém ngã bao nhiêu trúc, nghĩ ra cũng có lỗi phần nào.
Lão thấp kêu lên:
– Nói làm gì? Ngươi có nói cũng vô ích. Bởi chẳng lẽ ngươi dám vỗ ngực nhận lỗi khi Nguyệt Hoa Phu Nhân trách cứ ta?
Nguyệt Hoa Phu Nhân! Chàng đã nghe hai lão này nhắc đi nhắc lại mãi danh xưng đó, đã thành phu nhân thì hẳn là nữ nhân.
Thị Thơ là Thơ Cuồng, hẳn chuyên về thơ. Cầm Khiêu hẳn chuyên về cầm, mà Tư Kỳ thì dĩ nhiên là chuyên về kỳ.
Cầm, Kỳ, Thơ là ba nhã thú, còn Họa?
Cả ba có thể là những người thường tiếp cận Nguyệt Hoa Phu Nhân. Và Nguyệt Hoa Phu Nhân hẳn phải trên bậc cả ba người này. Họ có quan hệ gì với nhau?
Chàng buông gọn:
– Chẳng sao. Tại hạ có lỗi, dù đến nơi nào, trước mặt người nào tại hạ cũng nhận lỗi như thường.
Lão thấp hấp tấp hỏi:
– Ngươi nhận lỗi như thế nào?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Tại hạ nói rằng chính tại hạ đã chém ngã những thân trúc đó, tại hạ tuyệt đối không hề đề cập đến việc tiên sinh đùa cợt.
Lão thấp tươi ngay nét mặt:
– Ngươi khẳng khái như vậy thì tốt quá! Tốt quá! Mà tại sao ngươi lại chặt ngã một khoảng trúc như thế?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Tại hạ nói rằng khi lên đến đỉnh núi, tại hạ nghe hai vị đàm đạo với nhau.
Tại hạ hỏi han chi đó, ngôn ngữ đối chọi nhau, tại hạ nổi nóng động thủ với các vị nên chém ngã bao nhiêu thân trúc.
Lão cao cười nhẹ:
– Như vậy là thế huynh giúp Tư Kỳ một việc vô cùng quan trọng đó! Tại Quản Hàn Cung có tất cả là mười cảnh đẹp, riêng về khu rừng trúc này thì Nguyệt Hoa Phu Nhân ưa thích hơn hết. Nếu Tư Kỳ hủy hoại một số trúc như thế, hẳn phu nhân phải trách cứ nặng nề, lão ta không làm sao chịu nổi hình phạt. Bây giờ thế huynh đảm nhận trách nhiệm, mà thế huynh lại là ngoại nhân, có lẽ vì lý do đó phu nhân sẽ khoan hồng không bắt tội. Ngoài ra, tại hạ và Tư Kỳ sẽ hết lòng van cầu phu nhân châm chước cho thế huynh …
Lão thấp không còn khẩn trương nữa, tâm tư lão cởi mở dần dần, niềm vui hiện rõ nơi gương mặt. Lão gật đầu:
– Phải đó! Nhất định là chúng ta sẽ cố hết mình thuyết phục phu nhân bỏ qua. Chẳng lẽ phu nhân không vị tình chúng ta?
Quan Sơn Nguyệt khẳng khái:
– Hai vị không phải thắc mắc. Dù sự việc kết thúc như thế nào, tại hạ đã hứa rồi thì sẵn sàng gánh chịu hậu quả!
Dừng lại một chút, chàng hỏi:
– Bất quá tại hạ muốn biết Nguyệt Hoa Phu Nhân là người ra sao?
Hai vị đó sững sờ. Họ không tưởng là Quan Sơn Nguyệt đột nhiên hỏi như vậy. Một phút sau, lão thấp thốt:
– Không biết Nguyệt Hoa Phu Nhân là ai, thế mà ngươi lên đỉnh núi cao tìm gặp?
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp giải thích:
– Tại hạ lên đây chẳng phải có ý đi tìm Nguyệt Hoa Phu Nhân, mà chính là muốn gặp một người quen họ Trương.
Cả hai đồng thanh kêu lên:
– Trương Thanh.
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Phải. Nghe nói nàng đang ở tại đây!
Người thấp cau mày lẩm nhẩm:
– Quái chưa. Tại sao Thị Thơ không nói rõ?
Người cao đưa tay ra hiệu rồi thấp giọng:
– Đừng bàn luận gì cả, ta đã biết cái ý của hắn rồi.
Đoạn hướng qua Quan Sơn Nguyệt, lão hỏi:
– Làm sao các hạ biết Trương cô nương hiện ở đây?
Thoạt đầu Quan Sơn Nguyệt định đáp là chính Bành Cúc Nhân cho biết, nhưng chàng kịp suy nghĩ, Bành Cúc Nhân có cố kỵ như thế nào đó nên đã nửa úp nửa mở với chàng, bây giờ tiết lộ ra thì thành phụ lòng tốt của bà ấy. Biết đâu sự tiết lộ đó chàng sẽ đẩy Bành Cúc Nhân vào cảnh khó, và bà sẽ gặp sự bất lợi sau này?
Người cao không chờ nghe chàng đáp lại tiếp luôn:
– Tại hạ nghĩ rằng có thể là mụ họ Bành tố cáo với các hạ, mà các hạ nhất định là họ Quan, các hạ là người mà Trương cô nương thường nhắc nhở qua ba tiếng Quan đại ca.
Quan Sơn Nguyệt không thể không thừa nhận, đành gật đầu:
– Đúng vậy, tại hạ là Quan Sơn Nguyệt.
Người cao chỉnh nghiêm thần sắc, thấp giọng tiếp:
– Gặp Nguyệt Hoa Phu Nhân, tốt hơn hết là các hạ đừng tiết lộ danh tánh mà cũng đừng đề cập đến mụ họ Bành, ngoài ra cũng không nên hỏi han gì đến Trương cô nương.
Quan Sơn Nguyệt kinh dị:
– Tại sao thế?
Người cao lại tiếp:
– Các hạ đừng hỏi gì cả, tại hạ chẳng thể giải thích rõ ràng hơn được, bởi sự tình bắt buộc phải vậy thì đành chịu vậy. Nếu các hạ muốn gặp Trương cô nương, thư thả rồi bọn tại hạ sẽ nghĩ ra biện pháp giúp các hạ.
Quan Sơn Nguyệt hoang mang vô cùng.
Mặc dù cho người cao đã bảo chàng đừng hỏi gì nhiều, song làm sao chàng im lặng với sự hoang mang đó nổi. Chàng toan cất tiếng yêu cầu người cao cho biết lý do, chàng nhất định phải biết mới được, chàng chưa kịp mở miệng thì người thấp đã chen vào, thần thái của y khẩn trương thấy rõ:
– Có người đến rồi đó, ta phải chận đầu họ, có lẽ bọn này đi tìm cảnh để vẽ vời chắc. Cầm Khiêu, ngươi hãy chỉ điểm thêm cho vị thế huynh này mấy điều cần thiết nhanh lên đi, đừng để dở dang mọi việc.
Thốt xong y bước đi liền.
Người cao hấp tấp chỉ thanh trường kiếm của Quan Sơn Nguyệt, bảo:
– Dấu thanh kiếm trước đi, rồi các hạ chú ý ghi nhớ những gì tại hạ dặn dò thêm.
Quan Sơn Nguyệt tra kiếm vào vỏ, kéo tà áo phủ bên ngoài.
Người cao vẫn với giọng gấp, tiếp:
– Trong cung Quản Hàn của Nguyệt Hoa Phu Nhân có tất cả bảy thị giả, tại hạ là Cầm Khiêu và hai người nữa là Tư Kỳ và Thị Thơ thì các hạ đã biết rồi, còn lại bốn người:
Chử Trà, Nhập Hoạch, Đạn Kiếm, Phi Thương, trong bốn người đó chỉ có Đạn Kiếm là nam nhân, y có thể giúp các hạ, còn ba người kia đều là nữ nhân, đối với những lão phụ đó, các hạ phải hết sức cẩn thận giữ gìn từng cử động từng ngôn từ, tuyết đối không nên tiết lộ lai lịch với ba mụ ấy. Ngoài ra còn một …
Lão chưa dứt câu, từ nơi rừng trúc Tư Kỳ đằng hắng một tiếng, người cao lập tức nín lặng, lại còn lắc nhẹ một đầu vai ra ý bảo Quan Sơn Nguyệt hãy đề cao cảnh giác.
Liền theo đó có giọng nói của một nữ nhân vang lên:
– Phu nhân truyền lịnh đưa tiểu tử đến gấp, các ngươi còn dần dà ở đây, ý muốn giở trò gì phải không?
Câu nói vừa dứt âm vang, hai bóng người xuất hiện. Hai người đó là Tư Kỳ và một nữ nhân tuổi chưa tròn ba mươi, nhan sắc cực kỳ xinh đẹp, trong cái đẹp có vẽ xảo chứng tỏ con người không có tính tình hiền dịu.
Vừa đến nơi, nữ nhân quắc mắt quan sát Quan Sơn Nguyệt liền, từ đầu đến chân, rồi gượng cười rộng miệng, rồi thốt:
– Thị Thơ khoe khoang là tiểu tử có nghi biểu phi phàm, ta không tin, bây giờ thấy hắn rồi, ta phải nhìn nhận hắn đúng là một mỹ nam tử.
Nàng gọi Quan Sơn Nguyệt tiếp:
– Tiểu huynh đệ. Có phải tiểu huynh đệ tên là Minh Thiên Lý chăng?
Quan Sơn Nguyệt giật mình. Cái tên đó nàng tìm ở đâu mà gán cho chàng?
Tư Kỳ hấp tấp đáp:
– Phải. Minh lão đệ quả thật là một nhân tài trong thiên hạ ngày nay, con người tuấn tú thanh kỳ mà võ công cũng siêu quần bạt tụy, vừa rồi Minh lão đệ chỉ thi triển mấy chiêu kiếm mà ta và Cầm Khiêu suýt thảm bại.
Y vừa đáp thay Quan Sơn Nguyệt vừa láy mắt ra hiệu. Đến lúc đó chàng mới tỉnh ngộ là cái tên Minh Thiên Lý do y bịa ra mà, mà cũng có lẽ Thị Thơ bịa ra trước mặt Nguyệt Hoa Phu Nhân.
Cởi Minh Đà vượt thiên lý đến đây, nhân sự kiện đó mà đặt tên, quả thật bọn này cũng cao nhã.
Thay họ đổi tên là điều tối kỵ đối với Quan Sơn Nguyệt, song trong trường hợp này chàng không thể không thừa nhận mình là Minh Thiên Lý. Chàng vòng tay chào nữ nhân, đoạn gật đầu:
– Tại hạ là Minh Thiên Lý, dám hỏi …
Tư Kỳ lại chận lời:
– Nhập Hoạch đấy, Minh lão đệ chỉ nhỏ hơn nàng mấy tuổi, có thể dùng hai tiếng đại thơ xưng hô nàng.
Nhập Hoạch cười duyên, hơi uốn éo thân hình, buông nhẹ:
– Đâu dám nhận hai tiếng đại thơ. Tuổi tác có chênh lệch bao nhiêu đâu mà dám làm lớn chứ.
Nàng biểu lộ phong tình quá rõ rệt, Quan Sơn Nguyệt cảm thấy xốn mắt vô cùng. Có thể là chàng phản ứng ngay, song Tư Kỳ không ngớt ra hiệu bảo chàng nhẫn nại thành thử chàng miễn cưỡng gọi:
– Đại thơ …
Nhập Hoạch bật cười khanh khách:
– Thôi thì ta cũng cam chịu với thân phận đại thơ vậy, tại ta lớn hơn ngươi một chút, chính cái một chút đó hại ta đấy nhé.
Rồi nàng hỏi:
– Thị Thơ khoe rằng ngươi có lối tả tự rất đẹp còn hai gã quái vật này lại khoe ngươi có kiếm pháp rất cao, ngươi còn sở trường nào khác nữa chăng?
Cầm Khiêu cười nhẹ:
– Cái gì Minh huynh đệ cũng hay, có thể bảo Minh huynh đệ quán trường chứ chẳng phải chỉ sở trường về một vài điểm mà thôi. Văn cũng quán tuyệt, võ cũng quán tuyệt. Cầm là thánh thủ hoặc là truyền thần, kỳ là vô địch, thi là thần cú, mà tửu thì bậc trưởng thượng của Lưu Linh.
Nhập Hoạch «ạ» lên một tiếng:
– Thế thì hay quá, Quản Hàn Cung có thêm Minh huynh đệ thì thật là hoàn toàn. Ta phải chạy về báo cáo ngay với phu nhân mới được.
Tuy nói thế, nàng chưa đi ngay, nàng suy tư một chút rồi lẩm nhẩm:
– Chúng ta mỗi người có một sở năng nên tùy theo khả năng mà đặt tên, bây giờ Minh huynh đệ lại đến và là người vạn năng, thế chúng ta phải xưng hô làm sao?
Tư Kỳ cười khanh khách:
– Điều đó thì tùy phu nhân chứ, ngươi nghĩ đến làm chi cho mệt?
Nhập Hoạch gật đầu:
– Phải. Chúng ta không có quyền quyết định, cứ để tùy phu nhân là phải hơn. Đi, Minh huynh đệ, chúng ta đi thôi.
Nàng quay mặt lại. Đến bây giờ nàng mới phát hiện ra một khoảng rừng trúc bị chém ngã, thân trúc nằm ngổn ngang trông điêu tàn vô cùng. Bất giác nàng kêu lên thất thanh:
– Ai? Ai dám phá hoại khu rừng trúc như thế này? Nếu phu nhân biết được thì … thì …
Tư Kỳ đâm lo nhìn thoáng qua Quan Sơn Nguyệt, sợ chàng thay đổi chủ ý.
Nhưng chàng ưỡn ngực bước tới một bước, dõng dạc đáp:
– Chính tại hạ.
Nhập Hoạch hoảng hốt hỏi:
– Trời! Tại sao ngươi gây nên đại họa?
Tư Kỳ thở phào, cười khan mấy tiếng:
– Ta và Cầm Khiêu có ý muốn trắc nghiệm võ công của Minh huynh đệ nên vờ ngăn trở, Minh huynh đệ chẳng hiểu, sôi giận lên vung kiếm phản công, hai chúng ta chạy thoát kịp, thành để khổ bao nhiêu thân trúc …
Nhập Hoạch giậm chân thình thịch:
– Các ngươi quả là một lũ vô dụng! Muốn sanh sự, sao không đưa nhau đến một nơi nào khác lại chọn ngay chỗ này?
Tư Kỳ vờ nhếch nụ cười khổ:
– Nào có ai ngờ Minh lão đệ dễ nổi tính khí như vậy đâu! Một con người ở lứa tuổi đó, lại có kiếm pháp rất cao, thiết tưởng trong một thời gian nữa tài nghệ của Minh lão đệ sẽ siêu việt không lường nổi!
Nhập Hoạch đưa hai tay lên trời kêu lớn:
– Bây giờ phải ăn nói làm sao với phu nhân? Minh huynh đệ vừa đến lại gây nên cớ sự …
Quan Sơn Nguyệt thản nhiên đáp:
– Việc đã xảy ra rồi, tại hạ cứ chờ cái hậu quả đến làm sao nhận làm vậy, các vị không nên quá quan tâm!
Nhập Hoạch khoát tay:
– Đừng, Minh huynh đệ. Gặp phu nhân rồi, tuyệt đối Minh huynh đệ không nên buông tính quật cường. Tôi khuyên Minh huynh đệ nên ăn nói nhún nhường một chút, bên ngoài còn có bọn tôi, tất cả sẽ tùy cơ mà cầu tình với phu nhân, may ra phu nhân khoan dung không nỡ bắt tội Minh huynh đệ.
Tư Kỳ mỉm cười:
– Phải đấy. Phu nhân từng tỏ ra là thiên vị ngươi lắm, ngươi chịu khó nói giúp là cầm chắc phu nhân nghe liền. Ngươi cứ khoe khoang Minh huynh đệ có nhiều tài năng, hẳn phu nhân liên tài trọng đãi.
Nhập Hoạch trầm ngâm một chút đoạn thở dài:
– Thì đành là vậy rồi chứ còn cách nào khác hơn đâu. Tại ta! Ai bảo ta nhận là đại thơ của Minh huynh đệ làm chi, đã là đại thơ thì phải lo chu toàn cho tiểu đệ chứ.
Nàng hướng qua Quan Sơn Nguyệt, điểm nụ cười duyên dáng tiếp:
– Minh huynh đệ đừng cười nhé, chứ … sự thật thì … vừa trông thấy Minh đệ là … ta …
Nàng đưa ánh mắt lơi lả quá chừng, Quan Sơn Nguyệt gớm đến buồn nôn, nàng lại buông cái giọng đẩy đưa, chàng càng bực, tưởng chừng như ai lấy mũi nhọn mà chích chích màng tai. Tuy nhiên chàng cũng phải ỡm ờ phụ họa:
– Mới thấy nhau mà mường tượng như có quen nhau từ muôn thuở! Xin đại thơ chiếu cố cho tiểu đệ!
Nhập Hoạch cười hì hì:
– Tự nhiên! Phải vậy rồi, tiểu huynh đệ! Chúng ta trước đây chưa biết mặt biết mày nhau, bây giờ thì có khác nào đôi bằng hữu thân nhau từ thuở bé?
Tư Kỳ sờ hàm râu, vừa vuốt vuốt vừa thốt:
– Chúng ta sống bên cạnh nhau từ lâu rồi, sau ngươi không thân mật?
Minh huynh đệ mới đến mà ngươi tha thiết quá chừng!
Nhập Hoạch đỏ mặt, vẩu môi mắng:
– Lão quỷ lùn, ăn nói dè dặt một tí chứ, liệu hồn, ta sẽ bứt đứt râu cằm của ngươi đấy nhé!
Tư Kỳ rụt cổ lè lưỡi.
Nhập Hoạch hướng sang Quan Sơn Nguyệt thốt gấp để khỏa lấp sự đùa cợt của Tư Kỳ:
– Minh huynh đệ không khinh đại thơ …
Nàng bỏ lửng câu nói.
Quan Sơn Nguyệt dở khóc dở cười, biết đáp làm sao cho thích hợp với xử cảnh?
Cầm Khiêu chen vào:
– Nhập Hoạch về gấp đi, đừng để phu nhân chờ đợi, phàm ai chờ đợi cũng phải nóng nảy, phu nhân nóng tính lên là bất lợi cho cả bọn đấy.
Nhập Hoạch gật đầu:
– Phải! Ta trở về mà các ngươi cũng theo ta về luôn, phu nhân bảo ta đi gọi các ngươi, ta quên cho các ngươi biết.
Cầm Khiêu cười nhẹ:
– Thì ngươi cứ về trước báo cáo với phu nhân, ta và Tư Kỳ đưa Minh huynh đệ về sau, nên nhớ là khéo ăn khéo nói một chút đấy nhé. Cố gây một ấn tượng tốt cho Minh huynh đệ, có như vậy phu nhân mới dành một mỹ cảm rất lợi cho chúng ta.
Sợ Nhập Hoạch không hiểu hết ý của lão, lão đưa tay chỉ khoảng trúc bị chặt ngã.
Nhập Hoạch gật đầu:
– Ta hiểu. Phu nhân nổi giận lên rồi, hai ngươi cũng chết luôn!
Nàng quay mình thoát đi nhanh hơn trốt lốc.
Nàng đi rồi Quan Sơn Nguyệt thở phào xem như thoát nạn, song nhận thấy thân pháp nàng linh diệu vô cùng chàng không khỏi kinh hãi.
Tư Kỳ mỉm cười, bước đến gần chàng thốt:
– Lão đệ có số đào hoa thật. Cái mụ điên đó vừa thấy lão đệ là si tâm ngay, có nàng tiếp trợ thì trong cung Quản Hàn lão đệ sẽ là người được ưu đãi nhất!
Quan Sơn Nguyệt thẹn đỏ mặt.
Cầm Khiêu trách:
– Tư Kỳ đừng ăn nói hồ đồ như thế. Người ta đã nhận tội thế cho ngươi, ngươi không ghi ơn lại còn châm chích, thế là nghĩa làm sao?
Nhìn qua Quan Sơn Nguyệt, lão tiếp:
– Quan thế huynh, tại hạ thấy rõ cái nàng đó có ý tứ với thế huynh lắm đấy!
Tại hạ biết là thế huynh không thích những trò lẳng lơ, song dù sao thì thế huynh cũng nên chịu khó một chút, đừng quá lạnh nhạt với nàng, chẳng những nàng được phu nhân tin cậy mà nàng có võ công rất cao, trong cung nàng chỉ nhường có mỗi một mình phu nhân thôi!
Quan Sơn Nguyệt bất bình, trầm giọng:
– Tại hạ bắt buộc phải đóng kịch với nàng à? Không được đâu, vừa thấy mặt nàng là tại hạ lợm giọng rồi, bảo tại hạ làm hơn thế, tại hạ làm sao kham nổi chứ? Còn các vị nữa, bỗng dưng lại đặt cho tại hạ một cái tên! Đặt tên rồi lại bày vẽ đủ điều, bảo tại hạ làm thế này tránh thế kia.
Cầm Khiêu thở dài:
– Xin Quan thế huynh nhẫn nại một chút. Việc thay tên đổi họ là do chủ ý của Thị Thơ chớ nào phải bọn tại hạ tự chuyên? Thế huynh nên tin là bọn tại hạ thành thật tiếp trợ thế huynh, tiếp trợ Trương cô nương. Hiện tại thì bọn tại hạ không đủ thì giờ giải thích rõ ràng cho thế huynh hiểu, sau này có cơ hội chúng ta sẽ trở lại vấn đề.
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
– Về những gì khác, tại hạ không cần hỏi đến, chỉ muốn biết Nguyệt Hoa Phu Nhân là con người như thế nào! Tại hạ cần biết bà ta, để chốc lát nữa đây lấy thái độ thích ứng đối phó với bà ta. Mong quý vị đừng từ khước sự thỉnh cầu của tại hạ.
Cầm Khiêu thở dài:
– Nguyệt Hoa Phu Nhân là một nữ nhân vĩnh viễn chẳng ai hiểu nổi. Bất quá tại hạ chỉ thế huynh biết đại khái là bà ấy có võ công rất cao, cao đến mức độ vô lường. Biết như vậy cũng đủ lắm rồi đó thế huynh! Thôi, chúng ta đi, đừng để phu nhân chờ lâu sanh giận mà thành bất lợi cho chúng ta.
Dừng lại một chút, lão tiếp luôn:
– Nhập Hoạch tuy có thái độ cử chỉ không thuận nhãn thế huynh, song thực ra nàng là con người rất tốt, có tâm địa thiện lương, nàng cũng như một viên ngọc tốt nhưng chẳng được trau dồi, hoặc giả cũng có thể ví nàng như một kẻ thông minh nhưng kém học, nàng thẳng thắn lắm, chẳng bao giờ nuôi dưỡng một mưu cơ nào đối với bất kỳ ai. Thế huynh có thể tín nhiệm nàng …
Lão lại thở dài rồi vẫy tay giục mọi người:
– Đi thôi, có lẽ trễ lắm rồi đấy.
Tư Kỳ nắm chéo áo của Quan Sơn Nguyệt, lôi chàng đi, xuyên qua khu rừng trúc.
Quan Sơn Nguyệt nhận ra khí lực của y rất hùng mạnh, chàng muốn cưỡng lại song không cưỡng nổi, bắt buộc phải bước theo y.
Khí lực của Tư Kỳ phát huy hết sức quái dị, y nắm tay phía trước nhưng Quan Sơn Nguyệt lại nghe như một lực đạo ở phía sau đẩy tới, chàng bước thì thôi, chàng cố dừng lại thì lực đạo đó như hốt chàng hổng đất quăng tới.
Qua hết khu rừng trúc đến khu rừng hoa, trong rừng hoa có đài có các, nhưng họ không dừng chân lại những đài những các đó, họ đi hết rừng hoa đến một dãy nhà khác ở phía sau, lối kiến trúc cực kỳ hoa lệ.
Nơi cổng chánh có tấm biển, bốn chữ to lớn hiện trong tầm mắt của Quan Sơn Nguyệt từ xa xa:
«Quảng Hàn Cung Khuyết». Hai bên có đôi câu liển, đại khái tả cái đẹp của trăng nhưng phảng phất cái ý niệm tịch mịch của người trong trăng.
Bên trong cửa ẩn ước có bóng người, Quan Sơn Nguyệt nhận ngay chính là Thị Thơ. Hắn chạy tới nghinh đón bọn Cầm Khiêu.
Hắn muốn nói gì đó, Cầm Khiêu vội khoát tay bảo:
– Ta biết nỗi khổ tâm của ngươi rồi Thị Thơ! Khỏi cần nói!
Thị Thơ thấp giọng:
– Tại hạ chỉ biết làm tròn những gì có thể làm cho các hạ, về cái việc đổi họ thay tên thì bất đắc dĩ lắm tại hạ mới mạo muội như vậy. Gặp phu nhân rồi, các hạ cứ nói là chúng ta gặp nhau nơi chân núi, tại hạ đưa các hạ lên đây yết kiến phu nhân, chứ đừng bao giờ nói là các hạ vì Trương …
Cầm Khiêu chận lời:
– Bọn ta đã giải thích điều đó với Quan thế huynh rồi, ngươi chẳng cần dặn dò thêm.
Quan Sơn Nguyệt chưa kịp tỏ thái độ, từ trong hoa sảnh Nhập Hoạch bước ra cao giọng thốt:
– Phu nhân truyền lịnh Minh Thiên Lý vào ngay.
Nàng nhìn chăm chú Quan Sơn Nguyệt, trong ánh mắt ẩn ước có sự van cầu chàng nên có thái độ cung kính đối với phu nhân.
Quan Sơn Nguyệt vốn tính quật cường, dù biết rằng Nguyệt Hoa Phu Nhân là một nhân vật siêu phàm, song bảo chàng hạ mình đối với một người xa lạ khi chưa biết tư cách người đó ra sao thì khi nào chàng vâng theo! Do đó chàng ngẩng cao mặt chững chạc bước tới.
Khi đi ngang qua Nhập Hoạch, chàng nghe nàng buông nhẹ một tiếng thở dài.
Khách sảnh đúng là một cung điện trần thiết hết sức huy hoàng.
Nơi trung ương có một đài khá cao, trên đài có một chiếc ghế dài và ghế cẩn vàng chạm ngọc, trên ghế có một phụ nhân tác trung niên đang ngồi, thần thái ung dung.
Tự nhiên, phụ nhân chính là Nguyệt Hoa Phu Nhân.