Ảo Ma Bộ Pháp

Chương 9 - Ảo Ma Chân Kinh

trước
tiếp

Nín thở, Tiểu Nhẫn ngồi yên nhận định, không phải là ánh sáng quang. Mặc kệ, ánh sáng nào cũng tốt, còn hơn là tối tăm mù mịt.

Tiểu Nhẫn đã thấy nó đang đứng trước một hang động. Ánh sáng tỏa ra từ trên trần động xuống. Ánh sáng xanh dìu dịu. Té ra lúc nãy Tiểu Nhẫn không thấy được cửa hang động này, vì hầu như nó đến cửa hang từ phía bên, không phải nói là chênh chếch từ phía sau, hơi hơi ngang với cửa hang. Nếu không nhờ những kẽ nứt của đá, có lẽ nó khó mà tìm được đến hang động này.

Dù hang động này chưa ắt là chỗ có thể tìm được đường ra. Nhưng có ánh sáng. Có ánh sáng là tốt lắm rồi. Dò dẫm từng bước chân, mắt dọ dẫm từng chỗ, Tiểu Nhẫn tiến sâu vào hang động. Chưa đến chỗ tận cùng của hang động, dù hang động chỉ sâu ước mười trượng.

Tiểu Nhẫn thấy phía hữu có một cánh cửa đá khép hờ. Trên cửa có ghi một câu:

“Đến được, cứ vào”.

“Nơi đây có người ở?”

Tiểu Nhẫn thắc mắc, tự hỏi. Đứng yên, suy nghĩ có nên vào không. Khi nghĩ nơi này có người, Tiểu Nhẫn lại nghe cái đói cồn cào gan ruột.

Bấm chặt hai tay vào lòng bàn tay, Tiểu Nhẫn lên tiếng :

– Ở đây có ai không? Tiểu Nhẫn đói quá, xin chủ gia thương cho chút ít đồ ăn!

Không nghe tiếng trả lời. “Mình nói nhỏ quá!” Tiểu Nhẫn nghĩ vậy, rồi lớn tiếng hơn, kêu lên :

– Có ai không? Xin cho Tiểu Nhẫn được gặp!

Tiếng của Tiểu Nhẫn được các vách đá dội lại.

Một lúc lâu, không nghe ai đáp, Tiểu Nhẫn nhìn lại cánh cửa bằng đá. Thấy hàng chữ “Đến được, cứ vào”. Tiểu Nhẫn nổi xung lên.

– Vào thì vào!

Tay đẩy cánh cửa ra, chân đưa tới định bước vào, hoảng hồn, chựng người lại, vì trước mắt Tiểu Nhẫn, dưới ánh sáng của một viên ngọc gắn ở trần động tỏa ra cách Tiểu Nhẫn bốn trượng, một quái nhân đang ngồi tĩnh tọa. Tóc xõa dài phía sau, đến hơn nửa lưng. Râu dài chấm gối. Râu tóc đỏ hoe. Mặt mày dữ tợn. Tuy hai mắt nhắm nghiền nhưng vẫn không che giấu được sự hung dữ ở cái miệng mím chặt, chót mũi khoằm xuống.

Tay hữu đặt trên quyển sách để ở trước bụng, tay tả nằm xuôi xuống thân, nhưng hơi chếch ra, ngón trỏ chỉ vào mặt đá ngay trước chỗ ngồi.

Giật bắn thân mình ra sau ba bước, Tiểu Nhẫn biết đã làm kinh động đến quái nhân. Đánh liều, Tiểu Nhẫn nói lớn :

– Ác ma! Ta đã vào theo lời của lão ghi trên cửa, lão muốn gì đây?

Đứng yên một lúc, không nghe quái nhân trả lời, cũng không thấy thần tình có gì biến đổi. Tiểu Nhẫn nghĩ thầm: “Hay lão điếc?”

Đoạn lớn tiếng hơn, Tiểu Nhẫn lại nói :

– Tiểu Nhẫn vào đây rồi! Lão muốn gì cứ nói!

Vẫn lặng yên, không động đậy, không nói năng, mắt không mở, miệng không thèm nhếch.

“Hay lão đã chết từ lâu rồi!”

Đánh bạo, Tiểu Nhẫn tiến vào, gần hơn. Ba bước, năm bước. Rồi ngừng lại đó. Đưa mắt nhìn kỹ thấy người quái nhân và mặt quái nhân vàng ệch, ở mu bàn tay da khô quắt trơ cả xương ngón tay. “Lão chết rồi” Thở phào nhẹ nhõm, Tiểu Nhẫn quan sát kỹ hơn.

Lão mặc áo khoác ngoài bằng gấm, nhiều chỗ như có khảm vảy vàng óng ánh, như một trường bào của một vị Đế quân.

Nhìn đến quyển sách trong tay hữu của lão, Tiểu Nhẫn đọc được chữ ghi trên bìa sách: “Ảo Ma chân kinh”. Vì chưa từng học võ, chưa được nghe đến bí kíp chân kinh, nên Tiểu Nhẫn không màng đến quyển sách. Ngó theo tay tả của lão, Tiểu Nhẫn thấy trên nền đá chỗ ngón tay trỏ chỉ vào có ghi hàng chữ:

“Tặng chân kinh võ học,

Đổi một chỗ chôn thây”.

Hiểu ra, Tiểu Nhẫn cả cười, rồi nói với xác chết của quái nhân rằng :

– Lão quái, chắc suốt đời lão đã làm lắm điều ác, nên đến lúc chết lão gặp cảnh tử vô địa táng.

Ngưng lời, Tiểu Nhẫn bỗng cảm thấy xót xa cho quái nhân. Rồi Tiểu Nhẫn lại nói, như cố nói cho quái nhân hiểu :

– Ác ma, ta giúp lão một tay, cho lão được một chỗ yên thân.

Ngồi thụp xuống, chạm nhẹ vào chỗ lão quái nhân lưu tự, Tiểu Nhẫn ngạc nhiên khi thấy đó không phải là nền đá mà là một vuông hộc đá phủ đầy đất tươi xốp. Chỉ có lớp đất mỏng trên mặt, không biết lão quái nhân làm thế nào mà cứng lại, tưởng như là đá và lưu tự lại. Móc hết chỗ đất tơi trong hộc đá, sâu chừng thước mộc, là đã đụng phải nền đá cứng.

Ngạc nhiên nhìn hốc đá nhỏ, nhỏ đến độ một đứa trẻ lên ba cũng khó mà ngồi lọt, thế mà lão quái nhân lại chỉ vào hốc đá này, chọn làm nơi an thân, Tiểu Nhẫn thấy khó hiểu, ngước mắt lên nhìn lão quái nhân.

Kinh hoàng khi Tiểu Nhẫn thấy thân thể của lão quái nhân động đậy, miệng há hốc ra, nhưng Tiểu Nhẫn không thốt được một âm thanh nào, chỉ biết trơ mắt nhìn sự việc đang diễn biến.

Ồ! Xác lão quái chỉ xoay ngược, từ trước ra sau, chậm chạp. Không thể nói là lão quái, xác đã khô cứng, còn thân hình cố định chỉ xoay tròn theo bệ đá lão quái đang ngồi. Đến khi thân hình lão quái quay mặt hẳn vào trong, đưa lưng về phía Tiểu Nhẫn.

Tiểu Nhẫn một lần nữa lại sợ đến mất mật. Vì người mà Tiểu Nhẫn đang nhìn thấy, lúc này lại không phải là lão quái nữa. Đổi lại, là một vị hòa thượng, đầu trọc bóng, khuôn mặt hòa ái, hiền từ. Hai tay chắp trước ngực.

Dụi hai mắt, vì Tiểu Nhẫn ngỡ mình đã hoa mắt, nhìn kỹ lại lần nữa khuôn mặt của hòa thượng vẫn là những gì mà Tiểu Nhẫn đã nhìn thấy trước đó. Chỉ thấy lấp ló sau hai tai là những mảng tóc lơ thơ buông xuống. Và… tóc sao lại màu đỏ hoe, màu tóc giống màu tóc của quái nhân lúc nãy. Cả nghi, Tiểu Nhẫn rón rén lần lần tiến hẳn lại phía sau của nhà sư thì lại thấy khuôn mặt của quái nhân lúc nãy. Người vẫn khoác trường bào gấm rực rỡ, vẫn tay cầm sách, tay chỉ xuống nền nhà trước mắt.

Lui lại nhìn về phía trước, thì là khuôn mặt nhà sư.

Tính tinh nghịch của trẻ con, hồn nhiên sống lại nơi Tiểu Nhẫn. Tiểu Nhẫn cười lên khanh khách tỏ vẻ thích thú trước quái trượng quái sư này.

Rồi, cứ chạy ra sau Tiểu Nhẫn vái chào, gọi là lão ác ma, xong nhăn mặt, lè lưỡi ra bộ nhát lão ác ma. Đoạn chạy ra phía trước, khom mình thi lễ thật khiêm cung và lúc này Tiểu Nhẫn gọi là lão đại sư.

Tiến, lui vài lượt, Tiểu Nhẫn dừng chân trước mặt nhà sư, cao giọng hỏi :

– Xin hỏi đại sư, sao lão đại sư lại nghĩ ra được cái lão này hay thế? Nhưng đại sư muốn ta gọi lão đại sư như thế nào cho phải đây? À! Đúng rồi, ta gọi lão đại sư là lão quái sư vậy! Ừ! Vừa làm quái nhân vừa là đại sư, không gọi là quái sư còn gọi cách nào được! Này nhé, lão quái sư muốn ta gọi gì đây?

Lảm nhảm đâu đây, bỗng Tiểu Nhẫn thấy lấp ló trong tay áo lão quái sư có một mảnh vải trắng. Khom mình vái chào lão quái sư mà xin phép, Tiểu Nhẫn mới đưa tay cấm lấy mảnh vải trắng.

“Ra, lão quái sư có lưu lại di thư!”

Mở mảnh vải trắng ra xem, Tiểu Nhẫn đọc được như sau:

“Lưu lại cho người hữu duyên.

Ta khen cho người, vì đã đến được nơi này, hẳn là người cơ trí, có chí, có gan, thêm phần được lòng trời dung rủi.

Đọc được thư này, ắt hẳn người là kẻ không tham, bằng không đã chết trước đó, khi chạm vào bí kíp Ảo Ma.

Cảnh mà ngươi đang thấy, là cả một thiên cố sự, muốn rõ hơn, ngươi hãy theo dấu tay chỉ, sẽ tìm ra cơ quan mở cửa bí độc của ta.

Vô danh tăng”.

Hiếu kỳ, Tiểu Nhẫn nhìn đôi tay chắp lại của Vô danh tăng. Cả mười ngón đều chỉ thẳng lên trần động. Nhìn kỹ trên trần động, cao ngoài hai trượng, ngoài viên ngọc quý đang tỏa sáng, Tiểu Nhẫn không thể nào tìm được chỗ nào có thể là nơi ẩn tàng cơ quan, chỉ là vách đá trơn tuột.

Nhìn lại mảnh vải trong tay, xem lại các hàng chữ, đọc đi đọc lại hai lượt nữa, Tiểu Nhẫn đã hiểu rõ. Lão Vô danh tăng không nói về đôi tay lão đang chắp lại trước ngực, mà nói về ngón tay chỉ bên khuôn mặt của lão quái nhân kia. Vô danh tăng là lão quái nhân, lão quái nhân cũng chính là Vô danh tăng.

Nghĩ đến đây, Tiểu Nhẫn tiến vào phía trong, sau lưng lão Vô danh tăng. Nhìn theo dấu tay chỉ của lão quái nhân, lúc này ngón tay chỉ của lão quái nhân đang chỉ vào một núm đá nhỏ, chỉ nhô cao khỏi nền đá độ một thốn.

Tiểu Nhẫn đưa tay đập nhè nhẹ vào núm đá, rồi đứng yên, chờ sự khác thường sẽ đến, như di thư của lão Vô danh tăng lưu lại.

Kẹt… kẹt…

Vách đá trước mắt lão quái nhân chuyển động tạo ra tiếng nghiến trên nền đá. Rồi vách đá di động hẳn về một bên, để lộ một cửa đá trống, theo cánh cửa đá, Tiểu Nhẫn bước vào. Lúc này, sau khi đọc rõ di thư của lão Vô danh tăng, Tiểu Nhẫn hết cả sợ, đĩnh đạc bước vào.

Đường vào dài mười trượng, trên vách đá, khoảng cách đều nhau, có khảm những viên ngọc tỏa ánh sáng đủ để soi đường đi. Cuối đường, có lối rẽ về phía tả, đi được mười bước đã đến một cánh cửa đá to.

Trên cánh cửa đá không khắc ghi gì.

Vì đã hết lối đi, Tiểu Nhẫn phải xô cửa đá mà vào. Cánh cửa đá vừa được mở ra, Tiểu Nhẫn nhất thời bàng hoàng, vì cảnh trí ở đây, tựa như một thư phòng. Có bàn ghế đá xinh xắn. Trên các vách đá tranh treo. Trên mặt bàn đá có bầy văn phòng tứ bảo, có quyển sách đang mở rộng. Kề bên bầy một hộp gỗ đàn hương, chạm khắc tinh xảo.

Trên mặt một đôn đá gần đó đặt ít nhất là mười quyển sách. Phía cuối căn phòng lại còn một cánh cửa đá nữa.

Vì đang đói bụng, Tiểu Nhẫn ngỡ đó là nơi dẫn đến thực phòng. Vội vàng bước vào trong, chán nản đến cùng cực, vì đây là chỗ nghỉ ngơi, rõ ràng là có cả màn treo, chiếu trải, gối nằm…

Không thể làm gì hơn được, Tiểu Nhẫn tiến đến bàn đá ngồi xuống, đưa mắt nhìn quanh bàn.

Quyển sách đặt sẵn nơi bàn, đang mở ra một trang, không thấy ghi chép chữ nào. Chỉ toàn là các dấu chấm ngổn ngang. Tiểu Nhẫn nhìn mà không tin ở mắt mình. Vì đó là các dấu chân đã lưu lại trên Loạn Thạch cước ở Kỳ Liên sơn.

Đến đây Tiểu Nhẫn mới hiểu được hết. Thì ra các dấu chân ở gò Loạn Thạch là chìa khóa để kẻ hữu duyên đến được nơi đây, là ý của lão Vô danh tăng kia.

“Hữu duyên” Tiểu Nhẫn chua chát nghĩ. “Không lẽ đến được nơi này để rồi chịu đói mà chết”.

Không nghĩ đến thì không sao! Đã nghĩ đến, Tiểu Nhẫn lại nghe bụng đói dữ dội. Tiểu Nhẫn cố nhìn xung quanh xem có cái gì có thể ăn đỡ dạ. Nhìn đến hộp gỗ hương trên bàn, Tiểu Nhẫn thầm hy vọng.

Đưa tay cầm chiếc hộp, tiếng khua lọc cọc ở bên trong vang ra. Xoay xoay, Tiểu Nhẫn tìm cách mở hộp. Tay đụng một cái chốt. Nắp hộp bật ra, một mùi thơm ngào ngạt xông lên, khiến người khỏe lại. Một mảnh giấy nhỏ đặt bên trong, Vạch vội tờ giấy, Tiểu Nhẫn thấy ghi:

“Tịch cốc đơn, ăn một viên có thể không đói nhiều ngày”.

Còn gì mừng hơn. Tiểu Nhẫn nhón một viên đưa vào miệng. Chưa kịp nhai, hoàn thuốc đã tan hòa vào nước giãi, ứ đầy miệng, Tiểu Nhẫn đành thuận miệng nuốt vào.

Thật thần tình, thuốc vừa nuốt khỏi cổ, cảm giác đói mất rất nhanh.

Người cứ như nhẹ nhàng thanh thản. Bỏ hộp gỗ xuống bàn, Tiểu Nhẫn lùi vào trong tìm chỗ đánh một giấc.

Tỉnh giấc, mọi cái mệt nhọc đã bay biến đi, vẫn nằm một lúc, Tiểu Nhẫn ôn lại mọi việc. Kể từ lúc lão ca ca lần đầu đưa Tiểu Nhẫn đến Loạn Thạch cước… đến tận bây giờ. Càng ôn lại chuyện đã qua, tuy thời gian trải qua không đầy năm, nhưng lòng Tiểu Nhẫn thấy ngao ngán cho tình người ở chốn giang hồ.

Bất kể hắc bạch, tà hay chánh, ngoài một ít người thật sự là chính nhân quân tử, bất kể hình dáng bên ngoài, còn kỳ dư tất cả đều có lòng dạ đen tối. Bằng mọi cách, họ cố đoạt phần lợi cho bản thân.

Ngao ngán, Tiểu Nhẫn ước mong nếu có một thân võ học tuyệt thế, Tiểu Nhẫn sẽ đi hành hiệp trượng nghĩa, xóa bỏ mọi bất công, đem lại thanh bình cho mọi người. Nghĩ đến đây, trở lại với hoàn cảnh, Tiểu Nhẫn ngồi bật dậy, hy vọng tìm được nẻo thoát thân.

Bước qua chỗ lão quái sư ngồi, ra khỏi cánh cửa đá mức đầu, chung quanh vẫn là cảnh tối đen không một tia ánh sáng. Như thế này, bằng cách nào Tiểu Nhẫn có thể tìm được đường đi.

Quay vào bí động, bước đến thư phòng, ngồi lại nơi bàn đá. Vô tâm, Tiểu Nhẫn nhấc quyển sách để sẵn nơi bàn. Dằn dưới quyển sách là một tờ hoa tiên, ghi đầy chữ. Hàng chữ phía trên ghi đậm nét:

“Trung Nguyên giang hồ kỳ Ảo Ma đế cung tự”.

Tò mò, Tiểu Nhẫn đọc, thấy ghi:

“Ta là Vệ Ngõa, Ảo Ma cung Cung chủ đời thứ chín, tọa lạc tại Bắc Hải, ngoại biên Trung Nguyên. Từ Ảo Ma đế tổ truyền đến đời ta là cực thịnh. Ta nảy sinh ảo vọng làm bá chủ võ lâm, mở mang nền võ học Ảo Ma cung. Tiến vào Trung Nguyên, nhóm tiền trạm báo tin làm tăng niềm hy vọng của ta. Trên toàn lãnh thổ Trung Nguyên, không ai là đối thủ.

Với một kế sách, một lưới tóm gọn quần hùng, ta chuẩn bị phát thiệp mời quần hùng dự họp, lập công đài, quyết so tài một phen. Như thế, dễ bề đường đường chính chính, khuất phục quần hùng.

Thiệp chưa phát, mà tin đã bay xa. Éo le thay, một thượng nhân, pháp hiệu Tử Hà, một mình một ngựa, tìm đến với ta, tỏ lời ngăn cản.

Lời qua tiếng lại, khó thuận được đôi bên. Ta và lão ra lời ước đấu: ‘Nếu ta thua, lui về Bắc Hải, hoặc ẩn dật mười năm. Ngược lại lão thua, ta mặc tình muốn sao cũng được!’

Thế rồi, ngàn chiêu qua lại, bất phân thắng bại, sau cùng, thượng nhân đưa độc chiêu. Một chỉ độc tôn, điểm vào Khí Hải. Ta đành chịu bại lui gót toàn cung, nhưng lòng bất phục!

Còn ta, trên đường tìm nơi ẩn dật, vô tình đến được chốn này, phát hiện một bí kíp đạo gia truyền từ đời thượng cổ. Cả mừng, ta định học qua, quyết mười năm sau rửa lại mối hận. Nhưng sau khi đọc kỹ, đường lối khác nhau, ta khó bề tiếp thụ.

Sau hai năm chữa thương, ta xông xáo giang hồ, quyết tìm một truyền nhân.

Nhưng trời không chiều người, những kẻ ta gặp nếu có căn cơ, thì không có thiện tánh, kẻ lòng ngay lại thiếu hẳn căn cơ. Mà theo tôn chỉ của bổn cung, người chấp chưởng phải là người tài hoa tuyệt đỉnh, lòng ngay ý thẳng, kẻo không sẽ làm mai một, hoặc dẫn dắt bổn cung vào đường tà đạo.

Đã bỏ công tìm, ta đành trao cho người lành ta gặp bí kíp thượng cổ ở hang này, trao phó cho mệnh trời sắp đặt. Còn võ học bổn cung đem để lại nơi đây.

Nhớ lời đã ước, phải ẩn dật mười năm. Ta lại một phen tân khổ, sắp xếp mọi sự. Để lại bộ pháp ở Kỳ Liên sơn, người tài hoa hiểu được, sẽ là chìa khóa dẫn đến nơi đây. Người đọc được thơ này chứng tỏ rằng người có lòng ngay. Vậy giao phó võ công, mong ngươi học được. Sau đó hồi cung, thay ta chấp chưởng, kế vị Đế cung. Còn ta quyết ý hết hạn mười năm tìm lão Tử Hà sống chết một phen!

Tiếp được thư này, ngươi mau lãnh thọ hậu ý của ta.

Vệ Ngõa”.

Tuy đã đọc qua vài lượt, hiểu được ý của tiền nhân nhưng Tiểu Nhẫn vẫn bần thần, nghĩ thầm lão quái sư này thật là háo thắng. Trong thơ có ghi rõ tôn chỉ của Ảo Ma cung, rõ là Ảo Ma đế tổ chỉ muốn người lãnh đạo sáng suốt và khoan hòa, không muốn can qua, chỉ muốn thái bình, ít nhất là yên ổn cho Ảo Ma cung ngoài Bắc Hải.

Buông tờ hoa tiên rơi xuống bàn, Tiểu Nhẫn lại thấy phía dưới, chỗ quyển sách để lúc nãy, lại có thêm một tờ hoa tiên nữa. Ngạc nhiên cầm lấy xem, Tiểu Nhẫn thấy viết:

“Gởi người hữu duyên.

Trước khi ta chết, ngẫm nghĩ lại mọi việc, ta thấy cần phải ghi lại những hàng chữ này.

Sau ba năm chữa thương và luyện thêm võ công, do nôn nóng, trong tám chủ kinh lớn, ta bị nghẽn tắc hết năm đại mạch. Biết là đã hết đời, ta chỉ hy vọng vào đệ tử kế truyền, tức là người theo bộ pháp ta để lại mà tìm đến nơi đây.

Nhưng hỡi ơi! Hai mươi năm dài trôi qua, không một ai đến được chốn này. Xét lại mọi việc ta đã sắp xếp, thì hiểu ra rằng bộ pháp ta lưu lại, một đệ tử đích truyền ít nhất là ba tháng kiên trì mới mong vận dụng được mọi kỳ ảo. Còn ta, không một lời chỉ dẫn, thì dễ gì có người nào hiểu được. Thế là xong! Ta cũng xong! Mà kỳ vọng của ta cũng đã xong!

Viết thư này lưu lại, không biết có ai đọc được chăng?

Sau hai mươi năm chờ đợi, ngồi yên mà ngẫm sự đời, ta hối lỗi, vì một chút tham vọng đã làm tiêu tan cả sự nghiệp của Ảo Ma đế tổ gầy dựng và lưu lại đến ta.

Sau nữa, vì lòng hiếu thắng, ta đã làm hại đời ta. Rồi mai đây, Ảo Ma cung sẽ chìm dần trong cát bụi thời gian. Nghĩ tội mình khó chuộc, ta xuống tóc quy y, tụng kinh sám hối, bỏ lại ta là Ảo Ma đế cung lại đằng sau, chỉ biết lúc này là một nhà sư, nhà sư Vô danh.

Đừng đụng đến hình hài ta, vì ta quyết như vậy để khi xương tan thịt rã, làm thân gió bụi, trải khắp nơi để chuộc lại lỗi lầm.

Đáng lý ta còn sống được hơn nữa, nhưng vì Tịch cốc đơn có hạn, ta đành cố lưu lại cho người đến sau dùng. Học võ học của ta, hãy thay ta mà chấn chỉnh lại Ảo Ma cung. Hãy mở bàn tay ta đang xếp lại, nhận lấy Ngọc bài là phù lệnh tối cao của bậc Đế cung, mà sử dụng.

Người đừng mong rời được khỏi chốn này, nếu không có một thân võ học như ta đã có. Đến thì dễ, nhưng không có chí thì khó mà đi.

Nhớ lấy.

Vô danh tăng.

Lưu bút: Mối hờn xưa, hãy vì ta mà bỏ, chắc gì Tử Hà Thượng Nhân còn sống đến bây giờ”.

Bùi ngùi, lòng Tiểu Nhẫn như lắng lại, ngẫm lại lời lẽ trong thơ, mà thấy thương vô hạn cho lão quái sư, xót xa cho Ảo Ma cung. Đồng thời, lòng hào hiệp dũng cảm lại nảy sinh trong người Tiểu Nhẫn.

Không cần suy nghĩ thêm, Tiểu Nhẫn chạy bay đến trước mặt lão quái sư, quỳ xuống hành đại lễ, dập đầu khấn nguyện :

– Đế cung chủ, xin nhận lễ này của Tiểu Nhẫn, xin cho phép Tiểu Nhẫn được tôn người làm sư phụ. Đệ tử quyết thay mặt sư phụ chấp chưởng Ảo Ma cung. Đệ tử nguyện tuân theo tôn chỉ của đế tổ và ý nguyện của sư phụ, chấn chỉnh Ảo Ma cung, gìn giữ bổn cung luôn đi trên đường minh chính. Xin ban cho đệ tử Ngọc bài.

Khấn xong, Tiểu Nhẫn dập đầu như tạ ơn, rồi đứng lên đến bên xác của Vô danh tăng, mở hai tay người đang chắp lại. Xương cốt của Vô Danh Tăng liền ngã ập xuống, tan thành tro bụi như ước nguyện của người, chỉ có trường bào và Ngọc bài nằm kế đó là vẫn y nguyên, không hề suy suyển.

Nhận xong Ngọc bài, Tiểu Nhẫn lui lại, xá ba xá không dám động đến thân xác của sư phụ, vì trong thơ đã ghi rõ. Tiểu Nhẫn lui về thư phòng, cầm Ngọc bài ngắm nghía.

Một mặt Ngọc bài khắc hình Vương cung, có Nhi cù tháp cao nhọn, ở tháp cao nhất có gắn một viên ngọc sáng lấp lánh. Mặt kia khắc hàng chữ “Ảo Ma cung lệnh”.

Cho Ngọc bài vào bọc, Tiểu Nhẫn bắt đầu tìm học võ công ghi lại trên các quyển chân kinh:

● Ảo Ma tâm pháp nội công quyển

● Ảo Ma bộ pháp

● Ảo Ma kiếm pháp

● Ảo Ma quyền phổ

● Ảo Ma chưởng pháp

● Ảo Ma trận pháp

● và sách ghi: Thuật dị dung biến hình.

Nhìn qua các kinh phổ, tuy chưa từng được ai nói qua về bí kíp võ học, nhưng Tiểu Nhẫn cũng thấy hoang mang, không biết bắt đầu từ quyển nào.

Nhớ lại có lần Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh, và Tam Thủ Thái Tuế Tôn Bình có nói qua về việc cần phải biết nội công tâm pháp, Tiểu Nhẫn mới có cơ phát huy được chân lực sẵn có trong người. Do đó, Tiểu Nhẫn không hề chần chừ, chọn quyển Ảo Ma nội công tâm pháp mà xem trước.

Đây cũng là ý muốn của Ảo Ma đế cung đời trước, vì vừa mở quyển kinh ra, đã thấy ngay trang đầu có ghi:

“Ảo Ma tâm pháp nội công, là căn bản đầu tiên để người tiếp Đế vị đủ cơ sở phát huy mọi biến ảo huyền diệu của võ học bổn cung.

Kinh có ba phần hạ tầng, thượng tầng và tối thượng tầng.

Người không có căn cơ, khó mà luyện đến thượng tầng. Còn khi đủ lực luyện xong thượng tầng là đã đủ để tập luyện võ học của bổn cung.

Phần tối thượng tầng là phần tối diệu. Nội lực tu vi không đạt một trăm năm mươi năm, đừng gượng gạo chuyên luyện, sẽ gặp bất trắc.

Nhớ lấy! Nhớ lấy!

Ảo Ma đế tổ”.

Phía dưới lại có ghi, nét chữ khác với đoạn trên:

“Vì ta quá nôn nóng, chưa đủ lực đã cố luyện phần tối thượng, đã gặp việc không may. Ta nhớ lại lịch sử chín đời Đế cung, chỉ có Ảo Ma đế tổ là đã luyện được đến phần này.

Người được kinh này, nên lấy gương ta mà tự răn”.

Xem xong, Tiểu Nhẫn sau khi ghi nhớ kỹ điều này, bắt đầu đọc những trang sau, bắt tay vào việc luyện nội công tâm pháp trước.

Luyện, luyện mãi.

Khát: có nước hồ ngoài bí động.

Mệt: ngủ, nghỉ ngơi.

Đói: nuốt một hoàn Tịch cốc đơn.

Vì không có ngày và đêm, nên Tiểu Nhẫn không tính được thời gian.

Và thật sự Tiểu Nhẫn cũng không cần tính thời gian để làm chi vô ích.

Do đó, Tiểu Nhẫn chuyên tâm mà luyện tập.

Đây là sự ảo diệu, mà chính Vô danh tăng cũng không ngờ, việc chuyên luyện không cần biết đến thời gian, đã giúp ích rất nhiều cho người luyện võ. Điều này, mãi đến sau này, Tiểu Nhẫn mới hiểu được.

Không biết là bao lâu, Tiểu Nhẫn đã luyện xong hạ tầng. Do không đếm trước số lượng Tịch cốc đơn đã có, nên Tiểu Nhẫn cũng không thể hiểu mình đã ở đây bao lâu.

Mặc kệ, Tịch cốc đơn vẫn còn nhiều, Tiểu Nhẫn an tâm, bước sang phần thượng tầng. Đã luyện xong hạ tầng, Tiểu Nhẫn ngỡ phần thượng tầng do cao hơn, nên phải khó hơn, nào ngờ Tiểu Nhẫn đọc đến đâu, thực hành dễ dàng đến đấy, không một chút khó khăn, khác hẳn với lời ghi chú ở đầu quyển kinh của Ảo Ma đế tổ. Chẳng được bao lâu, hình như Tiểu Nhẫn chưa một lần nghỉ ngơi hay uống nước, đã luyện xong phần thượng tầng.

Kinh ngạc bao nhiêu, Tiểu Nhẫn càng vui mừng bấy nhiêu. Thấy đang trên đà thuận lợi, Tiểu Nhẫn không vội gì đọc đến các kinh phổ khác, lại chú tâm luyện đến tối thượng tầng.

Đến phần này, người của Tiểu Nhẫn hoàn toàn bình lặng như mặt nước hồ thu, thêm nữa không gian chung quanh hoàn toàn tĩnh mịch, rất tốt cho việc tập luyện của Tiểu Nhẫn. Tuy đôi lúc gặp khó khăn, lúc thành công đôi lần trở ngại, nhưng rồi cũng đến lúc tâm, ý, thần hợp nhất. Sinh tử huyền quang khai thông, người của Tiểu Nhẫn như bay bổng lên.

Nếu lúc này có ai nhìn thấy Tiểu Nhẫn, ắt phải kinh hoàng tột cùng vì thân hình của Tiểu Nhẫn đã cất khỏi nền đá ước chừng hai thước. Một màn khí trắng đục bao phủ quanh người Tiểu Nhẫn, như lớp sương mù giăng giăng.

Xả công, Tiểu Nhẫn bình thản mở mắt nhìn khắp thư phòng. Một kẽ đá nhỏ xa xa, Tiểu Nhẫn cũng có thể nhìn thấy. Biết rằng mình đã luyện xong phần tối thượng.

Tuy mừng vui, nhưng tâm thần vẫn bình ổn, Tiểu Nhẫn nhìn lại quyển kinh, lơ đãng lật trang cuối cùng, lại thấy có lời ghi của Vô danh tăng:

“Thật là gượng gạo, ta cũng là người có căn cơ, thế mà luyện xong thượng tầng cũng phải mất năm năm. Thế mà, ta để lại chỉ có sáu mươi hoàn Tích cốc đơn, đủ cho năm năm, mà lại đòi hỏi ở người luyện xong toàn bộ võ học ở đây.

Đành vậy, đã là kiếp số, khó cãi được mệnh trời. Đừng trách ta.

Vệ Ngõa”.

Đọc đến đây, dù tâm cơ bình thản đến mấy, Tiểu Nhẫn cũng cảm thấy hoảng hốt, Tiểu Nhẫn thầm nghĩ: “Không lẽ ta ở đây đã được năm năm”.

Chợt nghĩ ra, Tiểu Nhẫn vội xem lại số Tích cốc đơn còn lại trong hộp gỗ, lòng mừng khấp khởi, Tiểu Nhẫn thấy còn lại đến mười lăm hoàn. Tiểu Nhẫn nhẩm tính: “Vậy là mình mới chỉ ở đây hơn ba năm… ba năm chín tháng. Không lẽ chỉ mới ba năm chín tháng mà mình đã luyện xong cả phần tối thượng của Ảo Ma nội công tâm pháp, hơn cả sư phụ? Vô lý!”

Nhưng sự thực vẫn là sự thực. Tiểu Nhẫn lại đứng lên bước hẳn ra ngoài.

Ồ! Mọi vật trước đây là tối đen, nhưng bây giờ Tiểu Nhẫn lại thấy rõ mồn một, như nhìn với ánh sáng ban ngày. Quá đỗi mừng vui, Tiểu Nhẫn nói to thành tiếng :

– Ta đã thấy rồi, ta sẽ thoát! Ta sẽ thoát!

Nhìn thấy rõ hồ nước mà Tiểu Nhẫn thường lần ra để uống mỗi khi khát, Tiểu Nhẫn chợt nghĩ: “Cần phải tắm một phen!”

Nghĩ thế nào, làm thế ấy, Tiểu Nhẫn nhảy ào xuống tắm, quên cả việc cởi y phục. Nhảy xuống hồ rồi, người của Tiểu Nhẫn như viên đá, trầm thẳng ngay đến đáy hồ!

Chưa hết kinh ngạc, Tiểu Nhẫn càng ngạc nhiên hơn, khi thấy mình thở dễ dàng, không khác chi như đang đứng ở ngoài, không như là ở dưới đáy hồ đầy nước! Nhìn lại toàn thân, lại một sự ngạc nhiên nửa, y phục và cả người không thấm một giọt nước, còn bộ y phục, vì do lúc nhảy ào xuống, do có cử động mạnh, nên đã rách bương ra, không khác chi y phục của một gã khất cái.

Không chú ý đến điều đó, Tiểu Nhẫn cố tâm tìm hiểu vì sao thân mình lại không dính nước. Búng mạnh người lên, thì thân hình của Tiểu Nhẫn như một cánh chim hạc, vụt khỏi chỗ đứng thật nhanh, vọt khỏi mặt nước hồ đến hơn trượng.

Tầm nhảy chưa hết, vẫn tiếp tục đưa người Tiểu Nhẫn đi xa hơn. Nhìn xuống, Tiểu Nhẫn thất kinh, vì người Tiểu Nhẫn sắp rơi xuống một vực sâu, theo bản năng, Tiểu Nhẫn cố bẻ người, quạt mạnh hai tay mong hạ được người xuống cạnh nơi hồ nước. Lạ thay, chỉ một cái quạt tay, kình phong bỗng phát sinh, đưa người Tiểu Nhẫn trở lại cạnh hồ.

Hạ thân an toàn, Tiểu Nhẫn vẫn còn thấy sợ.

Nhìn lại hồ nước, quên cả sự việc lúc nãy, lần này Tiểu Nhẫn cởi hết y phục ra, để lại xuống hồ. Đụng đến chỗ nào, Tiểu Nhẫn thấy quần áo đều như sắp mục rã, còn gì nữa, đã hơn ba năm rồi, ở chỗ tối tăm không nắng, gió này thì y phục nào còn nguyên vẹn. Lắc lắc đầu, Tiểu Nhẫn vất bỏ cả y phục qua một bên, sau khi lấy hết các vật dụng ở trong bọc ra.

Lại nhảy xuống hồ, lần này khác hẳn, người của Tiểu Nhẫn ngập hẳn trong nước hồ. “Kỳ quái” Tiểu Nhẫn nói thầm, mà không thể hiểu được nguyên cớ.

Bước khỏi hồ nước, cẩn thận với y phục đã tơi, Tiểu Nhẫn lại quay vào thư phòng.

Lần này bắt tay vào việc nghiên cứu võ học uyên thâm của Ảo Ma cung, Tiểu Nhẫn thật sự thấy thích thú, khi từng chiêu thức, với cách vận dụng, thu phát tùy tâm, hô đánh là đánh, muốn ngưng thì ngưng được ngay.

Từng chiêu thức qua, bất kể là quyền, chưởng hoặc kiếm chiêu, Tiểu Nhẫn nhận thức được sự huyền ảo kỳ bí khôn lường, nhất là khi phối hợp với Ảo Ma bộ pháp.

Riêng Ảo Ma bộ pháp, khi đọc kỹ qua kinh phổ, thì Tiểu Nhẫn thật sự khâm phục sự uyên bác của Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh, khi ông đã chỉ ra được phần nào sự biến ảo của bộ pháp và sự kết hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ của Cửu Cung, Bát Quái, Thất Tinh bộ pháp, kể cả Lưỡng Nghi trận cũng nằm trong sự biến hóa của Ảo Ma bộ pháp. Qua sự chỉ dẫn rõ ràng của kinh phổ, Bộ pháp này được Tiểu Nhẫn vận dụng thuần thục hơn.

Lần lượt tập luyện các phần võ học, cho đến khi chỉ còn một hoàn Tích cốc đơn trong hộp gỗ, Tiểu Nhẫn thật sự đã học hết chân truyền của Ảo Ma đế cung đời trước. Trong quyển sách cuối cùng, không phải là kinh phổ, mà là “Bí sự Ảo Ma cung truyền đời”. Tiểu Nhẫn thật sự tìm hiểu được nguyên cơ tạo lập Ảo Ma cung, cũng như cơ cấu của tổ chức trong Ảo Ma cung.

Quyền lực cao hơn hết là Ảo Ma đế cung, kế đó là Ảo Ma Tả, Hữu Thần, bốn vị Hộ pháp, ba vị Đường chủ gồm Nội, Ngoại và Chấp pháp.

Còn kỳ dư là thuộc hạ môn nhân. Tất cả số người này, nếu còn sống thì tuổi đã dư trăm.

Đọc đến đây, Tiểu Nhẫn thở dài nghĩ: “Ta nhận trọng trách gìn giữ và chấn chỉnh lại Ảo Ma cung, nhưng thật sự đến lúc này, không biết Ảo Ma cung còn tồn tại hay không?”

Đọc tiếp, Tiểu Nhẫn thấy các dòng chữ sau cùng ghi:

“Tiếp được Ngọc bài, kíp quay về cung, lên bàn thờ đế tổ, lập thệ, để chính thức chấp chưởng đế vị. Phía sau linh vị của đế tổ, đế tổ có truyền lại một chiêu chưởng, và ba chiêu kiếm pháp.

Tiếc thay, vì ta kiêu hãnh, đã ngỡ mình võ công đến bậc thượng thừa, nên bỏ qua không luyện. Bằng không, khó có thể bại dưới tay Tử Hà Thượng Nhân.

Ngươi đọc được dòng chữ này, ắt đã học hết chân truyền của ta.

Đường ra khỏi đây, cũng là đường ngươi đã vào. Với sở học của ngươi, không cần vật tiếp sức có thể ra vào dễ dàng như lấy đồ trong túi.

Khi rời khỏi đây, nhớ bế động khẩu hầu tránh cho kẻ khác tò mò, khó tránh khỏi cái chết vì rơi vào vực sâu ngàn trượng.

Vệ Ngõa”.

Đọc lời như mở tấc lòng, Tiểu Nhẫn nhẩm tính: “Mình đã ở đây được năm năm, không biết Tôn đại ca đã ra sao? Lã bá bá? Tư Đồ tỷ tỷ?”

Trở lại thư phòng, gom tất cả kinh sách, vì y phục hầu như đã rách nát, khó có thể mang theo. Tiểu Nhẫn đành chôn kinh sách ở hộc đá vuông trước chỗ tĩnh tọa của sư phụ, phủ đất lên. Phát huy huyền công, tạo sức nóng, làm rắn lại lớp đất trên mặt, tợ là đá. Nhìn lại, thấy đã chu tất, Tiểu Nhẫn bỏ đi ra ngoài, từ hồ nước nhìn ngược lên cao, tìm đường ra khỏi động.

Từ nơi Tiểu Nhẫn đang đứng, đến vách đá cao trước mặt là một vực sâu không thấy đáy, rộng đến mười trượng. Người có võ công kém, khó có thể vượt qua, huống hồ vách đá bên kia lại thẳng đứng, không vật gì có thể làm chỗ dừng chân. Ngoài những nhánh dây rừng đã chết khô, còn nằm vắt mình trên vách đá.

Nhìn những nhánh dây rừng khô, Tiểu Nhẫn chợt hiểu ra sự sắp xếp của sư phụ, để đưa người ‘hữu duyên’ đặt chân đếm mõm đá này, nơi Tiểu Nhẫn đang đứng.

Thì ra Vô danh tăng đã dày công sắp đặt, ông treo và bện nhiều nhánh dây rừng liên kết lại với nhau thành nhiều cái võng bằng dây, và có nhiều tầng, tầng này cách tầng kia một khoảng đã được tính kỹ, Để người đầu tiên đến được và rơi xuống. Những chiếc võng sẽ làm hãm bớt đà rơi, và đưa dần người này đến được mõm đá. Còn những chiếc võng, khi đã xong nhiệm vụ của nó, với sức rơi nặng của một thân người lần lượt sẽ đứt rời ra, cắt hẳn đường vào động một cách an toàn.

Lòng thầm phục cho sự tính toán của sư phụ, Tiểu Nhẫn thầm nghĩ: “Không biết các nhánh dây khô kia còn đủ chắc chắn để ta bám vào để tiến lên không?”

Tiểu Nhẫn hớp một hơi thanh khí, ước lượng khoảng cách, bật nhẹ thân mình, người đã như tên rời khỏi cung, bắn thẳng đến vách đá trước mặt. Tay với và nắm vào một nhánh dây khô. Người vừa treo vào sợi dây đã nghe sợi dây đứt rời, rơi xuống.

Không chút chậm trễ, Tiểu Nhẫn chọc tay vào vách đá trụ thân mình trên vách đá, như thạch sùng. Ngao ngán, Tiểu Nhẫn lại tung người trở lại mõm đá.

Về đến mõm đá, ngước nhìn lên vách đá cao, hào khí bốc lên, Tiểu Nhẫn hú dài, vận dụng hết chân lực, sử dụng thân pháp thượng thừa ‘Ảo Ma Phi Thiên thân pháp’ vọt người thẳng lên cao.

Đà lên đã hết, vẫn không thấy động khẩu đâu! Tiểu Nhẫn bình tĩnh, chạm nhẹ hai chân vào vách đá, uốn mình một lượt, người đã lại tung lên, thêm hai lượt chạm chân nữa, thấy một chỗ khuyết sâu vào vách đá.

– Động khẩu đây rồi!

Thế là Tiểu Nhẫn hạ thân mình vào đó. Người vẫn nhẹ nhàng, không chút mệt nhọc, nhìn lại đoạn đường đã vượt, Tiểu Nhẫn mừng thầm cho sở học của mình, và tăng lòng kính phục sự ảo diệu của võ học Ảo Ma cung.

Quay nhìn vào động khẩu, vẫn thấy tối đen. Tuy mắt đã nhìn rõ đêm đen, nhưng thật sự vẫn khác hẳn với mắt nhìn mọi vật với ánh sáng mặt trời. Tiến lại sờ quanh, Tiểu Nhẫn biết là có tảng đá che kín lối đi.

Không có chỗ đứng, Tiểu Nhẫn chỉ lùi lại cách tảng đá khoảng hai bước. Tụ khí Đan Điền, dồn kình lực vào hai tay, nhằm vào tảng đá, phát chưởng với tám thành chân lực.

Bùng…

Tiếng chấn động vào tảng đá vang dội, lực phảng phất làm người Tiểu Nhẫn bay ngược ra sau, rời khỏi động khẩu rơi xuống.

Lại một chưởng tung nhẹ vào vách đá. Người Tiểu Nhẫn như ngừng rơi. Uốn thân hình đưa thân vào vách đá, dẫm chân vào, tung mình bay ngược lên trên.

Hạ thân xuống động khẩu. Nhìn lại kết quả một chưởng vào tảng đá, thì thấy tuy tảng đá bể vụn, nhưng trước mặt, chân lực đổ vào cái vỗ đó, đã đưa kình lực vượt khỏi tảng đá, dẫn truyền ra xa hơn.

Lắng nghe tiếng động truyền đi, Tiểu Nhẫn thấy nản lòng, vì theo tiếng âm vang,Tiểu Nhẫn cũng biết là đá che kín động khẩu phải dầy đến hai mươi trượng.

Ngồi phệt xuống nền đá, Tiểu Nhẫn suy tính. Càng suy nghĩ, càng thêm thất vọng, vì nhớ lại chuyện đã qua, Tiểu Nhẫn hiểu hết mọi sự.

Vị trí động khẩu, Tiểu Nhẫn và Tôn Bình đã vào quan sát kỹ, do đó, Tiểu Nhẫn biết là khi cửa động khẩu mở ra cho người Tiểu Nhẫn rơi vào, đã làm chấn động đến tảng đá lớn chênh vênh phía trên, và tảng đá đã rơi xuống bít kín lối đi. Đồng thời ắt là do tảng đá rời vị trí, đã cuốn theo nó không biết bao nhiêu tảng đá to nhỏ khác nhau rơi theo.

Thành thử lối đi ra đã bị bít kín, dày đến hai mươi trượng.

“Không xong rồi!”

Nghĩ vậy, Tiểu Nhẫn đành quay về mỏm đá sâu tít phía dưới, về lại thư phòng, ngẫm nghĩ tìm cách khác.

Đang ngồi ngẫm nghĩ, một tia sáng lóe lên trong tâm trí Tiểu Nhẫn, Tiểu Nhẫn nghĩ: “Nơi này trước đây không phải là chỗ thật sự của tiên sư, mà lại là chỗ tu của người xưa từ hồi thượng cổ để lại. Vậy ắt phải có lối vào khác. Và lối vào này trải qua lâu đời, ‘Thương hải vi tang điền’ đã bị các chấn động sụp lở của núi non mà biến mất đi hoặc đã biến dạng”. Nghĩ ra được điểm này, Tiểu Nhẫn thấy phấn khích hăm hở dò tìm kỹ xung quanh.

Quan sát hết mọi chỗ, gõ đều khắp các vách đá, sờ nắn mọi vật dụng, vẫn không phát hiện được gì. Chỉ lạ một điều, mọi vật nơi đây, Tiểu Nhẫn đều dễ dàng dịch chuyển, nhưng cái đôn đá, nơi để kinh sách thì trái lại, được gắn chặt vào nền đá.

Kinh ngạc, Tiểu Nhẫn cố lay cái đôn đá. Không được! Nhấc lên, cũng không! Đang lúc cố sức lay động cái đôn đá, thì vô tình Tiểu Nhẫn đã chạm vào chỗ nào đó, làm rơi một mảng đá nhỏ, vuông, từ thân đôn đá rơi xuống.

Cúi nhìn thì thấy đó là một hộc đá được đục thẳng vào thân đôn, và được đậy kín bằng một vuông đá lát. Trong hộc có một gói vải dài.

Đưa tay cầm vật đó ra, mở tấm vải gói, Tiểu Nhẫn đã cầm trên tay một thanh đao. Hình thù giống như một thanh đại đao, mà Tiểu Nhẫn đã thấy Thần Đao Khương Hoắc sử dụng, nhưng lại rất nhỏ, xinh xắn, dài không quá một thước.

Sẵn tấm vải, Tiểu Nhẫn dùng lau nhẹ vào thanh tiểu đao, đã thấy tiểu đao sáng bóng lên một màu tía sậm.

Xoay xoay tiểu đao, thấy ở đốc đao có khắc vài chữ nhỏ li ti, bằng ngôn tự kỳ lạ, Tiểu Nhẫn không hiểu được ý nghĩa của những chữ này.

Cầm tiểu đao ướm thử, thấy sức nặng vừa tay, bổ một nhát nhẹ vào mặt đôn đá, đã thấy mặt đôn đá nứt toác ra làm hai mảnh.

Thật sự kinh ngạc, Tiểu Nhẫn nhìn lại thanh tiểu đao, thấy tiểu đao không hề suy suyển. Mừng có được vật tốt, Tiểu Nhẫn cất vào bọc áo.

Đưa tay vào bọc lại chạm Ngọc bài. Cầm Ngọc bài ra ngoài, Tiểu Nhẫn không biết làm gì, đành xăm xoi xem kỹ Ngọc bài.

Lúc này Tiểu Nhẫn không còn như trước, lúc mới nhận Ngọc bài, đôi mắt đã tinh tường hơn gấp trăm lần. Do đó khi xem mặt Ngọc bài nơi có khảm viên ngọc, Tiểu Nhẫn đọc được hàng chữ nhỏ, được khắc tinh xảo quanh viên ngọc: “Tỵ độc, Tỵ thủy nhị châu trấn cung”

Thảo nào mà nó được gọi là ngọc bảo. Nhớ lại lúc trước, lần xuống hồ tắm, chính Tỵ Thủy châu đã làm người Tiểu Nhẫn khô ráo, không một giọt nước bám vào, Tiểu Nhẫn thật sự vui mừng.

Nhắc nhớ đến cái hồ, Tiểu Nhẫn đâm ra thắc mắc: “Nơi này nắng không vào, mưa không tới, vậy nước trong hồ từ đâu mà có, lại không bao giờ cạn, ắt là có điều chi bí ẩn đây!”

Đã có Tỵ Thủy châu, Tiểu Nhẫn thấy không khó gì khi tìm hiểu phía đáy hồ.

Đã định đi, nhìn lại chốn này, lòng Tiểu Nhẫn thấy quyến luyến, nhìn lại thân mình, kiểm lại mọi sự, thấy y phục rách nát, Tiểu Nhẫn bèn gỡ đem theo mình vài viên ngọc được dùng để phát sáng.

“Có thể dùng những viên ngọc này để đổi thành y phục, hoặc để có tiền độ nhật”.

Nghĩ đến cái ăn, Tiểu Nhẫn chợt nhớ đến hoàn Tịch cốc đơn còn lại, không suy nghĩ lâu la, Tiểu Nhẫn cho vào miệng nuốt luôn.

Như chắc chắn thoát đi được, Tiểu Nhẫn đưa mắt nhìn lần cuối nơi Tiểu Nhẫn đã ở gần năm năm, miệng lẩm bẩm nói thành tiếng :

– Ta đi nhé! Sư phụ, đồ đệ xin cáo biệt. Mong sau này đồ đệ sẽ tìm cách đưa di thể người về cố hương!

Không đành lòng đứng lâu hơn! Tiểu Nhẫn vội vã quay đi.

Đến hồ nước, không chút chần chừ, Tiểu Nhẫn tung người xuống.

Đến được đáy hồ, vừa đưa mắt nhìn, thì Tiểu Nhẫn đã thấy một ngách đá hẹp vừa một người đi, không ngần ngại, Tiểu Nhẫn tiến luôn vào ngách đá, hết rẽ tả lại sang hữu, chung quanh vẫn là nước, nhưng Tiểu Nhẫn bước đến đâu, thì nước như bị vạt qua một khoảng đủ cho người Tiểu Nhẫn khô ráo, quay nhìn lại phía sau chỉ thấy màn nước tối đen.

Bước đi ước chừng hơn trăm trượng, đã thấy phía trước lờ mờ có ánh sáng. Còn gì mừng hơn, Tiểu Nhẫn tiến vội, bước chân lên cao dần, ánh sáng càng lúc càng rõ, còn cách hai trượng, Tiểu Nhẫn đã nhận định đấy chính là động khẩu, vẫn nằm chìm dưới đáy nước, rong rêu tảo diệp bám vào vách đá, buông rũ xuống che kín cửa động.

Vẹt đám rong tảo ra, Tiểu Nhẫn tung người bắn ra cửa động, theo đà, người của Tiểu Nhẫn vọt luôn lên khỏi mặt nước. Hạ thân xuống nền đất gần đó. Ánh sáng chói lọi, làm mắt Tiểu Nhẫn muốn lòa đi, nháy nháy đôi mắt mấy lượt, Tiểu Nhẫn mới quen mắt lại, và đưa mắt nhìn chung quanh.

Thấy nơi đây vẫn là núi non bao quanh, chỗ Tiểu Nhẫn vừa ra, là một trũng nước nhỏ, do nước suối từ thượng nguồn đổ xuống, xoáy sâu, lâu dần mà thành. Nước ở nơi này theo động khẩu mà chìm dưới đáy, chảy vào đến mãi tận trong hồ, khéo tạo ra hồ nước nhỏ phía trong, cao ngang bằng mặt trũng ở đây, nên nước nơi này không cạn thì nước ở trong kia luôn đầy.

Hiểu ra, lòng Tiểu Nhẫn thầm tạ ơn trời đất đã khéo sắp bày, để đến ngày nay, Tiểu Nhẫn lại thấy ánh dương quang.

Hết cơn xúc động, Tiểu Nhẫn lại soi bóng mình xuống mặt nước. Tiểu Nhẫn bật cười khi thấy in soi trên mặt nước là một hình nhân quái gở, y phục rách rưới, tóc dài thậm thượt để xõa, che lấp cả khuôn mặt.

Vén mái tóc, nhìn lại diện mạo của mình, Tiểu Nhẫn gật đầu nói thành tiếng :

– Cũng không đến nỗi nào! Ngoại trừ vài món tóc và y phục.

Đưa tay vào bọc áo, lấy tiểu đao cầm tay, vừa soi mình dưới mặt nước, vừa cắt bớt bộ tóc dài. Xong đâu đấy, bới lại cho gọn, Tiểu Nhẫn cười vui, và lại nói :

– Cũng không tệ lắm!

Nhìn vào y phục, Tiểu Nhẫn lắc đầu cười nông nổi :

– Đành vậy!

Nhận định phương hướng, Tiểu Nhẫn theo dòng suối chảy lần đi xuống. Mong tìm được nhà một hiệp hộ nào đó tìm y phục khác. Và nôn nóng trở lại giang hồ. Việc trước hết là cố tìm được Tôn đại ca.

Sau trả thù cho minh huynh và má má. Kẻ đáng tìm nhất là Tam tú Thần Ưng. Cả ba…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.