Tác giả: Phạm Công LuậnNgày: 26/02/2022 Chuyên đề: Đô thị, Giải trí
Trong một lần đến Sài Gòn, giáo sư Namakayma Osamu, hiệu trưởng trường Đại học Reitaku (Nhật) đã chia sẻ: “Trước đây, người Nhật từng cho rằng, để tồn tại trong xu thế toàn cầu hóa thì làm cho nước Nhật trở nên giống nước Mỹ là được. Nhưng giờ thì chúng tôi nhận ra đó là sai lầm. Thực tế, càng toàn cầu hóa thì mỗi quốc gia lại càng phải giữ gìn giá trị riêng của mình, như vậy thế giới mới tồn tại và đứng vững được”.
Nhận định đó khiến tôi liên tưởng đến Sài Gòn và hướng đi của nó trong tương lai. Rõ ràng, Sài Gòn cần xây dựng giá trị riêng của mình, và bên cạnh việc dần tạo dựng giá trị mới, điều cần làm ngay là tìm lại, khôi phục, mài dũa những giá trị truyền thống, những giá trị đã và sẽ tạo nên bản sắc riêng của đô thị có lịch sử ba trăm năm này.
Đó không chỉ là những tòa nhà xưa rất đẹp nằm trên các con đường rợp bóng cây, đình chùa miếu mạo rải rác khắp Chợ Lớn, Gia Định cũ mà còn là tinh thần “dấn thân yêu đời” (chữ của giáo sư Thanh Lãng) của người Sài Gòn từ bao đời nay. Vì yêu đời mà dấn thân, vì yêu đời nên dấn thân và cảm thấy vui sướng. Yêu đời nên yêu người, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn, mở tủ thuốc từ thiện, bơm vá xe cho người khuyết tật, mở quán cơm từ thiện giá rẻ, người nghèo mua gạo giúp người nghèo hơn mình...
Khi tìm tài liệu để viết bộ sách Sài Gòn, chuyện đời của phố, tôi thấy đầy ắp tinh thần cố gắng xây dựng một xã hội nhân văn của người Sài Gòn xưa. Như chương trình Thế giới của trẻ em trên sóng truyền hình từ năm 1967 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một cố gắng trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, để “... đem tiếng cười thơ ngây gắn trở về gương mặt hồn nhiên của trẻ thơ. Bom đạn, hỏa tiễn đã phá nát thiên đàng tuổi thơ rồi. Bây giờ mình cố giữ một chút gì còn lại để thấy thế giới này còn... biết cười thật lòng”. Khi đọc những dòng tâm sự của ông, tôi thấy xúc động. Tôi tin rằng đó cũng là mong muốn của bà Kiều Hạnh khi làm chương trình ca nhạc thiếu nhi Tuổi Xanh, đem lời ca tiếng nhạc trong sáng giúp trẻ thơ hướng thiện. Đó cũng là tâm nguyện của ông Khai Trí, vợ chồng nhà văn Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh khi làm báo Thiếu Nhi; của ông Nguyễn Trường Sơn khi xây dựng tủ sách Tuổi hoa với vai trò cố vấn của nhà văn Minh Quân. Họ lo lắng cho tâm hồn trẻ thơ thời chiến, khi cha mẹ lo kiếm sống, khi không có mặt người cha ở nhà và lũ trẻ lớn lên bị cuốn vào cơn lốc tiêu thụ, lo sợ và chán chường cho tương lai, yêu cuồng sống vội.
Trên dưới nửa thế kỷ trước, Sài Gòn đã có trung tâm thương mại, siêu thị, vận hành không khác ngày nay. Người dân Sài Gòn đã tổ chức triển lãm và biểu diễn thời trang bằng hàng vải nội hóa. Họ tổ chức biểu diễn ca nhạc, diễn kịch, tuồng, thi hoa hậu. Họ tổ chức tour tham quan thành phố, du lịch trong và ngoài nước. Họ lập trường đại học công và tư với nhiều ngành đào tạo. Họ làm tới đâu học tới đó, không biết thì cắp sách ra nước ngoài học, vừa làm vừa nghe ngóng tình hình chiến sự. Người ở thành phố làm thay việc của thầy giáo, công nhân bị bắt lính phải ra chiến trường, vẫn dựng sạp biểu diễn cải lương khi chiến tranh áp sát thành phố, xoay xở khi giấy in báo tăng giá, để con nít có báo mà đọc.
Đó chính là những di sản tinh thần của Sài Gòn một thời, đang ngày càng bị thời gian vùi lấp. Chiến cuộc làm mất mát nhiều tư liệu, hình ảnh. Đến ký ức cũng không còn khi nhân chứng ra đi....
A motivational and inspiring guide to wholehearted living, rather than just the average self-help book, bolsters the self-esteem and personal Read more